Việc sơ chế thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm cũng là nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiện nay, tỉnh Hà Nam hiện có gần 1.500 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trước nhu cầu của người dân, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, thức ăn đường phố nói riêng ở các địa phương được mở ra ngày càng nhiều khiến công tác quản lý gặp khó khăn.
Tại khu vực đông dân cư, tập trung nhiều công ty, trường học, xuất hiện nhiều hàng quán bán bánh mì, xôi, cháo, bánh cuốn,… để phục vụ người dân. Phần lớn, các cơ sở này đều là hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên không có Giấy phép kinh doanh, không có hợp đồng mua nguyên liệu thực phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã ra quân kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại hàng trăm cơ sở, phát hiện và xử lý gần 100 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng số tiền xử phạt gần 400 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trung tá Lê Anh Tuấn – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình, chưa thực sự đáp ứng được các quy định về cơ sở vật chất trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Tình trạng kinh doanh hàng hoá thực phẩm quá hạn, kém chất lượng vẫn còn xảy ra. Người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn, che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín.
Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường tiêu hóa, thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSTP để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Người dân cần phản ánh kịp thời đến các đơn vị chức năng nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
Cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể; các cơ sở kinh doanh nước giải khát, cơ sở chế biến và bán thức ăn đường phố. Khi phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và lây lan các bệnh truyền qua thực phẩm.
Để thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, bên cạnh việc ra quân kiểm tra, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.