Hà Nội: 16.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là số liệu được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với TP Hà Nội, sáng 21/1, về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015.

Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội trung bình trong mỗi tháng khoảng 74.400 tấn gạo; thịt lợn 11.600 tấn; thịt gà 4.650 tấn; thủy, hải sản tươi, đông lạnh 4.500 tấn; rau củ tươi 75.000 tấn… UBND TP dự kiến nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết sẽ tăng từ 15-18% so với các tháng bình thường trong năm. Đặc biệt, thời điểm trước, trong và sau Tết Ất Mùi các nhóm hàng thiết yếu sẽ tăng giá do nhu cầu của Nhân dân tăng cao. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài cũng nên nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, vui chơi giải trí, du lịch đều có thể tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ Nhân dân dịp Tết Ất Mùi, Sở đã định hướng, hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn lượng hàng hóa gồm: Lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, nước giải khát, mặt hàng tiêu dùng may mặc… Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bán ra thị trường khoảng 185 lít bia; 6 triệu lít rượu, trên 30.000 tấn bánh mứt kẹo và 16,5 triệu lít sản phẩm sữa các loại, với tổng số tiền 8.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, các làng nghề trên địa bàn thành phố cũng tập trung sản xuất kinh doanh nhóm hàng như thực phẩm, bánh mứt kẹo, chè, miến dong, bột sắn…, với tổng giá trị ước trên 150 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại cũng tập trung dự trữ nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị tiền hàng ước đạt 6.750 tỷ đồng.

Về lĩnh vực bình ổn giá, TP Hà Nội đã tạm ứng hơn 276 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng như: Gạo trắng thường, thịt lợn, thịt gà vịt, hàng đông lạnh, rau củ… Để đảm bảo ổn định thị trường, giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, UBND TP Hà Nội đã đưa ra 5 giải pháp, trong đó trọng tâm vào việc tổ chức nguồn háng hóa thiết yếu, thực hiện hiệu quả các biện pháp, Chương trình nhằm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa dịp Tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, mặc dù các ngân hàng đã có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp để thực hiện bình ổn giá, tuy nhiên việc triển khai thục hiện còn gặp nhiều khó khăn do bản thân doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, ngân hàng không chấp thuận cho vay tín chấp. Phần lớn kinh phí việc thực hiện đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất do doanh nghiệp tự trang trải nên số doanh nghiệp tham gia còn ít; công tác vận chuyển hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành thường so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ do các doanh nghiệp bán hàng với hàng hóa không rõ nguồn gốc…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc Hà Nội đã có kế hoạch và chủ động bình ổn giá từ sớm, đặc biệt thành phố đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đảm bảo không để khan các mặt hàng thiết yếu. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, theo dự đoán, giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Ất Mùi sẽ tăng nhẹ, không có đột biến lớn như những năm trước, hiện mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị được phát triển đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị UBND TP Hà Nội theo dõi sát diễn biến thị trường để có phương án bình ổn giá cả kịp thời, đặc biệt là có chỉ đạo đối với các doanh nghiệp sau những đợt giá xăng, dầu giảm. Bên cạnh đó, Hà Nội cần lưu ý việc chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phải đảm bảo trước, trong và sau Tết.
Đoàn công tác Bộ Công Thương và TP Hà Nội khảo sát thực tế tại Siêu thị Co.opmart Sài Gòn (Hà Đông)
Đoàn công tác Bộ Công Thương và TP Hà Nội khảo sát thực tế việc bình ổn giá tại Siêu thị Co.opmart Sài Gòn (quận Hà Đông)
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố dịp Tết Ất Mùi, UBND TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương. Đồng thời, đã giao cho các sở, ngành, liên quan chịu trách nhiệm, đảm bảo phục vụ Nhân dân đón Tết an toàn; đảm bảo về số lượng, chất lượng và giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu cho dịp Tết. Khác với những năm trước, dịp Tết Nguyên đán năm nay, TP Hà Nội không chỉ đảm bảo lượng hàng phục vụ tập trung tại khu vực nội thành, mà cả ngoại thành và vùng xa, với 150 chuyến chuyến hàng lưu động tại các huyện ngoại thành và các khu công nghiệp.

Cũng trong chương trình làm việc, chiều nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đi khảo sát thực tế và làm việc với Công ty TNHH Sài Gòn Coop Hà Nội, Tổng Công ty Rượu - bia - nước giải khát Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và việc đảm bảo không để khan hàng, tăng giá, sốt giá đột biến của Tổng Công ty Rượu - bia - nước giải khát Hà Nội. Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý Tổng Công ty Rượu - bia - nước giải khát Hà Nội cần có các cửa hàng giới thiệu sản phẩm xứng tầm với vị trí và thương hiệu của Tổng Công ty.