Báo cáo nêu rõ hành vi vi phạm rất đa đạng và phức tạp, trong đó vi phạm giao thông đường bộ là chủ yếu, tập trung vào các nhóm hành vi như vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, về phương tiện giao thông... Đoàn giám sát cũng chỉ rõ 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các vi phạm hành chính về giao thông.
Vi phạm Luật Giao thông ở Hà Nội xảy ra thường xuyên
Cụ thể, về khách quan là do hạ tầng GTVT của TP chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nói chung và sự phát triển của các phương tiện giao thông, nhất là giao thông đường bộ. Thống kê cho thấy TP hiện có hơn 4,8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 440 nghìn ô tô và hơn 4,2 triệu ô tô trong khi đó quỹ đất giành cho giao thông của TP mới đạt 7% so với yêu cầu là 25 - 30%. Cùng với đó, các công trình phụ trợ đi kèm như bến, bãi trông giữ xe đều khong đủ, các điểm đón trả khách còn quá chật hẹp, phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế...
Về chủ quan, Đoàn giám sát cho rằng nguyên nhân chủ yếu và trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa nghiêm. Kế đó là việc nhận thức và trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức và cán bộ công chức địa phương về vấn đề này còn hạn chế, có biểu hiện buông lỏng.
Viện dẫn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh trái pháp luật còn nhiều, không được xử lý dứt điểm, đoàn giám sát cũng cho rằng nhiều hành vi vi phạm không được phát hiện hoặc cố tình làm ngơ... Ngoài ra, đoàn giám sát cho rằng việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chặt chẽ, quy hoạch sử dụng đất hai bên đường bộ, việc phân làn, phân luồng có nơi chưa hợp lý... hay việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn chồng chéo, bất cập dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cũng làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống vi phạm.