KTĐT - Công viên nghĩa trang mang tên Thiên đường Sóc Sơn được coi như "khu đô thị mới" của những người đã khuất và công viên xanh của những người đang sống - dự kiến sẽ được khánh thành vào quý 3/2011 trên diện tích 100 ha.
Công viên nghĩa trang Thiên Đường Sóc Sơn được Công ty Đầu tư phát triển công nghệ Hoa Sen phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng của TP thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng và đầu tư trên diện tích 100 ha tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Công viên nghĩa trang mới này gồm các chức năng chính: Khu cát táng; Khu hỏa táng; Hệ thống các công trình dịch vụ; Hệ thống các công trình tâm linh.
Cùng với đó là các hệ thống cây xanh công viên, vườn hoa, lam viên, hồ nước, kiến trúc cảnh quan và diện tích cây xanh cách ly; Hệ thống giao thông liên hoàn của công viên nghĩa trang và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật...
Theo quy hoạch, đây là loại hình nghĩa trang mới, mang tính chất công viên nghĩa trang sinh thái, nên sẽ áp dụng các hình thức an táng không ảnh hưởng tới môi trường. Tất cả chất thải, nước thải xảy ra trong quá trình vận hành nghĩa trang đều được gom về khu xử lý tập trung trong phạm vi nghĩa trang, hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Mọi người đều dân có thể vào đây... yên nghỉ
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trâm, Giám đốc điều hành dự án, hiện chưa tính được giá thành mỗi mỗi "mộ phần" tại Công viên nghĩa trang Thiên Đường Sóc Sơn, nhưng bà Trâm khẳng định không phải đẹp là giá cao mà "chủ đầu tư cam kết với TP Hà Nội sao cho mọi người dân đều... vào được".
Trả lời về việc phân khu trong nghĩa trang liệu có là... phân biệt - bà Trâm cho rằng, việc phân một số khu chỉ là theo phong tục nhưng đây hoàn toàn là nghĩa trang mở, người sinh sống ở trong nước dù thành phần người nước nào, văn hóa thế nào, bệnh tật ra sao... cũng được vào an nghỉ tại nghĩa trang.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng lưu ý nhà đầu tư cần xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang, không được lợi dụng dự án để bán đất cho cá nhân xây dựng không theo quy định. Đặc biệt phải có quy định cụ thể về quy cách mộ chí, bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng người dân có nhu cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân, tránh tình trạng tùy tiện trong thiết kế, lãng phí trong sử dụng đất
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện TP có 7 nghĩa trang (Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ cũ, Sài Đồng, Ngọc Hồi, Nhổn) với tổng diện tích khoảng 70ha. Trong khi đô thị Hà Nội sau mở rộng có diện tích tăng gấp 3 và dân số dự kiến tăng gấp đôi (năm 2030) nên việc tiếp tục xây dựng nghĩa trang mới, đặc biệt là nghĩa trang hung táng và nghĩa trang tái định cư (cát táng phục vụ GPMB các ngôi mộ khi triển khai các dự án phát triển đô thị) là nhu cầu cấp bách và bức xúc của TP. Theo đó, trước mắt, TP tập trung triển khai tại 2 địa điểm là Yên Kỳ và Sóc Sơn, trong đó nghĩa trang Yên Kỳ (mở rộng) để kịp thời phục vụ nhân dân Thủ đô khi nghĩa trang Văn Điển dừng chôn cất địa táng vào 30/6/2010 và xây dựng nghĩa trang tái định cư sinh thái mới tại huyện Sóc Sơn. |