Hà Nội 67 năm Ngày Giải phóng: Sức mạnh từ tinh thần đoàn kết

Nguyễn Vũ - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 67 năm, ngày 10/10/1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Kể từ đó đến nay, dù đi qua không ít khó khăn, mỗi thành quả to lớn mà Hà Nội đạt được chính là hình ảnh sống động của sự “đồng tâm nhất trí”. Thời điểm này, trước những khó khăn của dịch Covid -19, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng ấy một lần nữa lại trở thành nguồn sức mạnh to lớn để Hà Nội chiến thắng.

 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu vực phong toả phường Văn Miếu, quận Đống Đa. Ảnh: Duy Linh

Diện mạo Thủ đô nhiều thay đổi
Lần giở lại lịch sử, ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Thực hiện lời dạy đó của Bác và nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội từ mốc son rực rỡ ngày 10/10/1954, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sáng tạo không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, Nhân dân Hà Nội. Mạch nguồn sức mạnh ấy luôn là động lực để vươn lên mạnh mẽ, ngày càng đổi mới để “Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như Bác hằng mong muốn.

Trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể điểm lại được hết những thành quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã đạt được trong 67 năm qua. Nhưng trong cảm xúc của những người đã nhiều năm gắn bó với Hà Nội, cũng không khỏi ngỡ ngàng về sự phát triển của TP. Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.342,92km²; dân số gần 10 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Trong suốt chặng đường đổi mới đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Như những con số thống kê cho thấy, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, cả nước.

Diện mạo của Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án kinh tế - xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành làm cho TP hiện đại hơn. Hà Nội luôn giữ vai trò dẫn đầu trong sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ. Hà Nội cũng ở tốp đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, 368/382 xã hoàn thành xây dựng NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Đây là cơ hội thuận lợi cho TP trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực…

Chủ động, sáng tạo trước khó khăn

Trong gần 2 năm qua, Hà Nội đang bước qua những ngày đáng nhớ trong lịch sử hình thành và phát triển của mình bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, là đầu mối kinh tế, giao thông quan trọng, nên Hà Nội không tránh khỏi việc là địa phương sớm chịu tác động của đại dịch. Trong 4 làn sóng dịch bệnh, Hà Nội đều ghi nhận các ca dương tính, nhưng như đánh giá của các chuyên gia, TP luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu, chủ động kịch bản, áp dụng giải pháp hành chính và chuyên môn y tế để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.

Trong đó, chủ trương thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 6 giờ ngày 24/7/2021 là một quyết định được T.Ư, dư luận và người dân Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao. 60 ngày giãn cách xã hội, có thể gây ra những bất tiện với đời sống người dân, nhưng với sự đồng lòng, TP đã tận dụng được “thời gian vàng” này để này để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tách F0 ra khỏi cộng đồng, không để dịch bùng phát. Đặc biệt với chiến dịch thần tốc ngày đêm, chỉ sau hơn một tuần triển khai, Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm phủ mũi 1 vacicne cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên – công việc lúc đầu nhiều người tưởng như không thể đạt được. Các lực lượng xung kích - các y, bác sĩ, công an, quân đội đóng vai trò xung kích, đi đầu kết hợp tốt với các lực lượng tình nguyện tại địa phương.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Có thể nói rằng, Hà Nội đã thực sự đặt người dân ở vị trí trung tâm trong cuộc phòng chống dịch, mỗi người dân thực là “một chiến sĩ” trên mặt trận này. Người dân Hà Nội không những chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, mà còn tích cực tham gia ủng hộ, quyên góp, cống hiến bằng sức người, sức của cho công tác phòng, chống dịch. Hà Nội đã thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng tương đối chặt chẽ, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, phố, chung cư... Ngoài lực lượng tuyến đầu với nòng cốt là công an, quân đội, y bác sĩ, toàn TP đã thành lập 4.559 tổ Covid-19 cộng đồng với 29.385 nhóm tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Các DN trên địa bàn TP cũng đã thành lập hơn 11.000 tổ an toàn Covid-19 với sự tham gia của gần 50.000 người... Những con số trước đó chắc chắn ít người mường tượng ra được.

Hà Nội thành công bước đầu trong phòng chống dịch còn bởi đã có giải pháp hợp lý trong đảm bảo an sinh xã hội. Giãn cách, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích, mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động bảo đảm yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh không bị đứt gãy; tạo điều kiện cho một số ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, chen chúc mua hàng... Và “không một ai đứng ngoài và không một ai bị bỏ lại” trong cuộc chống dịch, chính quyền đồng hành với người dân bằng những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn. Ngoài ra, trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP tích cực chi viện cho các tỉnh, thành khác...

Đi từng bước chắc chắn để thích ứng an toàn

Hà Nội hiện đang đi từng bước chắc chắn để tập trung chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế như Chính phủ chỉ đạo. Không mở ồ ạt các hoạt động mà mở dần từng bước, Hà Nội vừa mở vừa đánh giá thận trọng; tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, DN.

Người dân Hà Nội cũng không lơ là, chủ quan mà dần thích ứng với những giải pháp cần thiết để phòng ngừa, “sống chung an toàn với Covid. Cùng với tuân thủ “5K”, khai báo y tế, việc quét mã QR đang trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của người dân. DN cũng đưa vào triển khai các phương án sản xuất an toàn. Tại các quận, huyện, người dân từ 18 tuổi trở lên đang được tiêm phủ mũi 2. Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng…

Song song với nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng, chống dịch bệnh, với những giải pháp được triển khai, Hà Nội đã và đang tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thành công 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó tăng trưởng GPDP từ 7,5% trở lên. Chỉ tiêu cao trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là bài toán khó đặt ra, nhưng các cấp chính quyền của Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt, trong đó, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh.

Hà Nội cũng đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4; đề án cải tạo chung cư cũ với quyết tâm vừa chỉnh trang diện mạo đô thị, vừa bảo vệ an toàn, nâng cao điều kiện sống cho người dân... Đây thực sự là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô.

Như lãnh đạo TP đã nhận định, mặc dù sẽ rất khó khăn, nhưng ý thức rõ về vai trò, vị trí quan trọng này, Hà Nội sẽ nỗ lực để biến nguy thành cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển; giữ vững thành quả chống dịch để tạo sức hút đầu tư trong và ngoài nước, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Trong hành trình này, nội lực của Hà Nội là chủ yếu, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ của T.Ư, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân.

Kỷ niệm 67 năm giải phóng Thủ đô không chỉ là dịp để cùng nhìn lại những giá trị của lịch sử, mà từ thắng lợi của cuộc kháng chiến giữa lòng Thủ đô năm xưa, sẽ đúc kết sâu sắc thêm các bài học quý về đoàn kết, nhất trí, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đi tới thành công. Đồng thời, cùng với thành công bước đầu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hiện nay, chắc chắn Hà Nội cũng có thêm những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nội đã quyết liệt các giải pháp mạnh ngay từ đầu trên tư tưởng nhất quán, xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, bình tĩnh, sáng suốt, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá. Lãnh đạo thành phố đã thường xuyên chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn; đưa ra các giải pháp chiến thuật trước mắt, lâu dài; chủ động chỉ đạo tìm giải pháp sớm và cao hơn trên tinh thần hành động thần tốc, linh hoạt, sáng tạo để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đúng như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh thì mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”.