Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: 79,6% người nhiễm HIV còn sống biết được tình trạng của mình

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, Hà Nội thực hiện chỉ tiêu phát hiện người nhiễm HIV (mục tiêu 1) đạt 79,6% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội về Chương trình phòng chống HIV/AIDS cho biết, tính đến 30/9, thực hiện mục tiêu 90 - 90 – 90, TP thực hiện chỉ tiêu phát hiện người nhiễm HIV (mục tiêu 1) đạt 79,6% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý (19.789/25.000); 243/950 (25,6%) ca nhiễm HIV mới phát hiện.

Thực hiện chỉ tiêu điều trị ARV (mục tiêu 90 thứ 2) là 550 người nhiễm được điều trị ARV, đạt 64,3% so chỉ tiêu kế hoạch 2022 (855 người nhiễm HIV cần được điều trị). Số người nhiễm HIV đang điều trị ARV là 13.252/14.318 người đạt 92,6% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Thực hiện chỉ tiêu 90 thứ 3 đạt 98,4% (4.277/4.348) bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế 1000 cp/ml máu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thời gian qua, TP đã duy trì điều trị Methadone tại 21 cơ sở (17 cơ sở thuộc ngành y tế, 4 cơ sở thuộc ngành LĐTB&XH quản lý), đang điều trị cho 4.955 bệnh nhân, đạt 92,6% so với chỉ tiêu giao.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu thời gian tới, các Trung tâm y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát HIV/AIDS tại các bệnh viện nhằm phát hiện sớm các đối tượng mắc. Thực hiện rà soát lại các chỉ tiêu mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) giao sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, sự phối hợp của mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến cần chặt chẽ, hiệu quả.

Nhằm hướng tới kiểm soát dịch HIV/AIDS bền vững vào năm 2030, Việt Nam đã đặt mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình để từ đó người bệnh được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Trong khi các nhóm đối tượng như tiêm chích ma túy, gái mại dâm tỷ lệ người nhiễm HIV đang có xu hướng ổn định và giảm dần nhờ các biện pháp can thiệp giảm hại cũng như chương trình điều trị methadone… nhóm MSM lại nổi lên như một "thách thức không nhỏ" đối với hoạt động phòng chống HIV của Việt Nam.

Theo Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Võ Hải Sơn, xét nghiệm HIV là then chốt trong chiến lược lấy điều trị làm dự phòng. Nghĩa là khi người nhiễm HIV được xét nghiệm, phát hiện và được điều trị sớm làm cho tải lượng virus HIV ức chế thì nguy cơ lây truyền HIV cho người khác đặc biệt trong nhóm MSM sẽ giảm đi nhiều lần.  Nếu đến tải lượng virus đạt được dưới ngưỡng phát hiện ngưỡng  thì gần như người đó  không còn nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

Chính vì thế, Bộ Y tế đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm, đặc biệt nhóm MSM với đa dạng các mô hình xét nghiệm khác nhau.

Thứ nhất là xét nghiệm tại các cơ sở y tế, khi người dân có triệu chứng hoặc có hành vi nguy cơ liên quan đến khả năng lây nhiễm HIV, ngành y tế tư vấn họ tự nguyện làm xét nghiệm HIV.

Mô hình thứ hai là xét nghiệm dựa vào các tổ chức cộng đồng, thông qua nhóm đồng đẳng viên, những người trong cùng mạng lưới xã hội của họ triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Mô hình thứ ba là tự xét nghiệm HIV thông qua trang web tuxetnghiem.vn, qua đó cung cấp thông tin cho những người có nhu cầu, người có nguy cơ lây nhiễm HIV đăng ký để nhận xét nghiệm HIV miễn phí. Đây là cách đang được triển khai rộng.

Bên cạnh đó, để chương trình phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, ngành y tế còn triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Đây được coi là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát mức độ lây nhiễm HIV, đặc biệt trong nhóm đang có nguy cơ cao hiện nay là nhóm MSM.

Thông qua những người đã mắc HIV, tư vấn viên sẽ tuyên truyền, thuyết phục người nhiễm HIV giới thiệu những người bạn chích, bạn tình của họ đi xét nghiệm HIV, cũng như người trong mạng lưới của họ để phát hiện bệnh sớm, giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác.