Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch là cần thiết

Nguyên Dương - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các doanh nghiệp, việc Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch là cần thiết, nhưng rất cần sự linh hoạt. Đặc biệt, việc thông hành từ vùng đỏ - cam - xanh và ngược lại để vận chuyển nhu yếu phẩm được thuận lợi, cũng như tạo điều kiện cho DN nằm trong diện ưu tiên.

Kiểm soát chặt giấy đi đường trong kỳ nghỉ lễ 2/9. Ảnh: Thanh Hải
Theo ghi nhận của báo Kinh tế & Đô thị, sau khi Công an TP Hà Nội có quy định mới liên quan đến giấy đi đường, nhìn chung người dân và cộng đồng DN ủng hộ.

Bà Trần Bích Ngọc (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) là một người dân đang thực hiện giãn cách xã hội không quá lo lắng về quy định cấp giấy đi đường mới. Bà Ngọc chia sẻ: “Phiếu đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn duyệt, cấp thì sẽ được phát đến từng hộ dân nên tôi không quá lo lắng”. Theo bà Ngọc việc triển khai cấp giấy đi đường theo quy định mới sẽ giúp quản lý tốt hơn, hạn chế được tình trạng người dân ra ngoài đường. Bà mong rằng chính quyền địa phương cũng như lực lượng Công an sẽ hỗ trợ tốt nhất cho người dân, thực hiện cấp giấy đi đường một cách thuận lợi.
Ông Vũ Mạnh Tuấn - Giám đốc một công ty kinh doanh "hàng thiết yếu" trên địa bàn quận Long Biên nói và cho biết, sau khi xem thông báo về việc Công an TP Hà Nội cấp giấy đi đường, lúc đầu ông cũng khá lo lắng về khâu thủ tục làm giấy tờ. Nhưng sau khi trao đổi với công an phường và chính quyền thì nhận được trả lời và hướng dẫn sẽ hỗ trợ cấp giấy đi đường nhanh, gọn để công ty tiếp tục duy trì hoạt động nên ông khá yên tâm.

Chị Nguyễn Thị Hoa - Chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm 368 đang khẩn trương lên danh sách số lượng nhân viên phục vụ để xin giấy đi đường.

“Ngay từ sáng sớm, nhân viên đã gọi điện hỏi tôi về việc xin giấy đi đường mới. Tôi được biết, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý ngành là Sở Công thương, nhưng nay giấy đi đường trình tự, thủ tục duyệt không phức tạp và mất nhiều thời gian, tôi nghĩ từ giờ đến mai tôi sẽ làm xong các thủ tục kịp có giấy đi đường mới cho nhân viên đi làm” - chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên các DN cũng ý kiến việc áp dụng biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch là cần thiết, nhưng rất cần sự linh hoạt. Đặc biệt, việc thông hành từ vùng đỏ - cam - xanh và ngược lại để vận chuyển nhu yếu phẩm được thuận lợi, cũng như tạo điều kiện cho DN nằm trong diện ưu tiên. Là DN chuyên sản phẩm phở tươi và phở khô Hà Thành, Giám đốc Nguyễn Thị Phương cho biết, DN mong muốn việc thực hiện cấp giấy phép đi lại linh hoạt hơn, giảm tải các thủ tục không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ cho DN sản xuất theo quy định. Để hàng hóa sản xuất ra được lưu thông kịp thời đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, nhu cầu thực phẩm thực sự cần thiết cả về cung và cầu.

Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân đề xuất, TP nên có giải pháp bằng chế tài, phạt thật nặng những hành vi làm giả giấy tờ đi đường, không tuân thủ việc phòng, chống dịch. Nên tạo điều kiện như trước đây có xác nhận của UBND phường, cơ quan đã được DN chấp hành tốt. Vấn đề mấu chốt là tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy cho các DN lưu thông giữa các vùng theo đúng quy định. Bà Ngân khẳng định, việc chống dịch là rất quan trọng, nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, kinh doanh để trụ vững, tạo ra nguồn thu, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động.
Đặc biệt, người dân và DN bây giờ cần nhất là tiêm vaccine để đảm bảo sản xuất, kinh doanh... Cũng nên đưa chứng khoán, ngân hàng vào danh sách DN thiết yếu, DN có giao dịch với ngân hàng thì cấp cho cán bộ đi giao dịch vì DN vẫn phải hoạt động bình thường để đáp ứng thanh toán hàng hoá và tín dụng, cũng như chi trả tiền lương...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần