Hà Nội: Áp lực dồn về hệ thống thoát nước

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Do ảnh hưởng của bão số 7, trong những ngày qua, Hà Nội liên tục có mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Đến thời điểm hiện tại tình trạng ngập úng trong khu vực nội thành vẫn cơ bản được kiểm soát, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, song áp lực lớn đang dồn vào hệ thống thoát nước.

Lượng mưa tăng đột biến
Bắt đầu từ tối và đêm ngày thứ 7 (9/10), do ảnh hưởng của bão số 7, trên địa bàn TP xảy ra mưa trên diện rộng, kéo dài, cường độ mưa không lớn, mưa rải rác theo từng khung giờ nên tình trạng ngập úng đã cơ bản được kiểm soát.
 Mực nước trên sông Tô Lịch tăng lên do ảnh hưởng của bão số 7.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tại từ thời điểm 19 giờ ngày 10/10 đến 7 giờ ngày 11/10, lượng mưa đo được trên địa bàn TP đều tăng đột biến. Tại khu vực quận Hoàn Kiếm, lượng mưa tại thời điểm 19 giờ ngày 10/10 là 87,9mm thì đến thời điểm 7 giờ ngày 11/10 lượng mưa đo được đã là 150,3mm. Tương tự, tại khu vực quận Long Biên, lượng mưa thay đổi từ 82,3mm lên 155,3mm; Hai Bà Trưng từ 84,6mm lên 145,7mm…
Không chỉ tại các khu vực nội thành, tại khu vực ngoại thành, lượng mưa ghi nhận trong khoảng thời gian trên cũng tăng đột biến. Đơn cử, tại khu vực huyện Thường Tín, lương mưa đã tăng từ 67,9mm lên 109,3mm; huyện Gia Lâm tăng từ 80,5mm lên 159,1mm; Mê Linh từ 70,5mm lên 128,3mm; Ba Vì từ 80,8mm lên 1300,7mm… Trong khi đó, tại huyện Đông Anh, lượng mưa ghi nhận tại 2 thời điểm trên lần lượt là 209,3 mm và 243,1mm.
 Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại hồ Định Công.
Đại diện Công ty cho biết, trong suốt quá trình mưa do ảnh hưởng của bão số 7 trên địa bàn TP tại khu vực đơn vị quản lý cơ bản không xuất hiện điểm úng ngập, đảm bảo việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm 7 giờ ngày 11/10, do mực nước sông Cầu Bây dâng cao (tại đập Trại Lợn là 4.05m) nên bắt đầu xuất hiện dềnh nước tại khu vực Đàm Quang Trung – Cổ Linh (Long Biên) với mức độ ngập khoảng 10cm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài khu vực trên, do ảnh hưởng của bão số 7, tình trạng ngập úng cũng diễn ra khá nghiêm trọng trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long. Tại đây, cơn mưa lớn từ lúc 6 giờ kéo dài đến 9 giờ 30 ngày 11/10 khiến tuyến đường nhiều nơi bị ngập sâu, giao thông theo hai chiều bị gián đoạn, khu vực đường gom bị chia cắt ở nhiều điểm. Sau khi xảy ra sự việc, đơn vị quản lý địa bàn đã bố trí lực lượng ứng trực, phân làn giao thông nhưng tình trạng ngập úng, giao thông đi lại vẫn hết sức khó khăn. 
Tăng cường ứng trực xử lý sự cố phát sinh
Được biết, do ảnh hưởng của bão số 7, Hà Nội có mưa trên diện rộng nhưng cường độ mưa không lớn, mưa rải rác theo từng khung giờ nên tình trạng ngập úng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, thay vì tình trạng ngập úng trên các tuyến đường, hiện áp lực đang dồn vào hệ thống thoát nước, tại nhiều khu vực mực nước hiện tại đã và đang vượt mức không chế.
 Công nhân thoát nước ứng trực đo mực nước trên các sông.
Cụ thể, tại hồ Hoàn Kiếm, khu vực mực nước ghi nhận tại thời điểm 7 giờ ngày 11/10 là 7,78m trong khi đó mức không chế trong mùa mưa năm 2021 là 7,65m; hồ Định Công 3,75 (mức khống chế là 3,5 – 3,7m); hồ Đống Đa 4,04m (mức khống chế là 3,5m); Sông Tô Lịch (đập Thanh Liệt) 3,54m (mực nước khống chế là nhỏ hơn hoặc bằng 2,5m); Sông Cầu Bây 4,05m (mực nước khống chế nhỏ hơn hoặc bằng 2,6m)…
Ông Trịnh Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, ngay khi có công điện số 04/CĐ-BCH hồi 11 giờ ngày 9/10/2021 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý, vận hành các trạm bơm Yên Sở (9/20 bơm), Đồng Bông 1 (14/14 bơm), Cổ Nhuế (3/4 bơm)… đồng thời mở các cửa phai kịp thời để đưa mực nước trên toàn hệ thống về ngưỡng an toàn.
 Công nhân thoát nước ứng trực vận hành các nhà máy thoát nước.
“Hiện tại, đơn vị đã bố trí công nhân tổ chức thu dọn vệ sinh các miệng thu, các tấm chắn vật cản và tập trung vận hành bơm, mở cửa phai hạ mực nước trên hệ thống sông, hồ điều hòa chính để hạ mực nước trên hệ thống, giảm thiểu úng ngập do mưa gây ra, chuẩn bị sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo” – ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết.
Cũng theo ông Trịnh Ngọc Sơn, trong 24 giờ tới, bão Kompasu di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12. Hiện tại, đơn vị đã xây dựng các phương án ứng trực, xử lý các tình huống có thể phát sinh nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng tại Thủ đô.
 
 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần