Hà Nội: Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho phục hồi và phát triển kinh tế

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND (ngày 1/11) về việc phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong Quý IV/2021 và các năm 2022, 2023. Trong đó, xây dựng rõ các kịch bản tăng trưởng cơ sở, phấn đấu và rủi ro.

Trong tháng 11/2021 sẽ tiêm đủ mũi vaccine cho người trên 18 tuổi
Đánh giá và dự báo tình hình phòng, chống dịch Covid-19, Kế hoạch chỉ rõ, nguy cơ dịch Covid-19 trên địa bàn TP vẫn khá cao do nguồn lây nhiễm vẫn còn ẩn khuất trong cộng đồng nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố; mật độ dân số đông và số người tiêm đủ mũi vaccine chưa đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng…
TP đang tích cực triển khai tiêm đủ mũi 2 cho các đối tượng nằm trong độ tuổi tiêm chủng và đã đến lịch tiêm trả mũi. Nếu tiến độ phân bổ vaccine được đảm bảo, dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ tiêm đủ mũi vaccine cho người trên 18 tuổi.
 Hà Nội ban hành kế hoạch, chỉ rõ các mục tiêu, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hùng. 
Về tình hình phát triển kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2021, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gặp một số khó khăn. Các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn TP cũng như trong cả nước. Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng và các công trình xây dựng có nhiều biến động. 
Thiếu nguồn cung lao động do lao động về quê, lao động vướng việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh...
Phục hồi và phát triển theo lộ trình, an toàn là trên hết 
Từ đánh giá tình hình thực tiễn, quan điểm của TP Hà Nội là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát với tiêu chí an toàn là trên hết và cao hơn tiêu chí chung của cả nước.
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh và hiệu quả tất cả các chính sách của Chính phủ, đồng thời, chủ động hỗ trợ theo khả năng, đặc thù của Thủ đô; tập trung vào các chính sách tác động ngay và một số chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.
TP tiếp tục lấy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ vừa là chủ thể phục hồi, phát triển kinh tế vừa tích cực, chủ động sáng tạo và phối hợp phòng, chống dịch bệnh.
Kế hoạch chỉ rõ, mục tiêu của TP Hà Nội là hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 
Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển. Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững. 
Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8,0% của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
TP Hà Nội đưa ra các Kịch bản tăng trưởng Quý IV và năm 2021, cụ thể: 
Kịch bản cơ sở (điều hành):
Quý IV/2021: GRDP tăng từ 5,09-7,37%, trong đó: Dịch vụ tăng từ 4,87 7,31%, Công nghiệp tăng từ 6,91-8,17%, Xây dựng tăng từ 6,93-9,80%, Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 2,38-2,83%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng từ 2,4-5,0%.
Năm 2021: GRDP tăng từ 2,35-3,0%, trong đó: Dịch vụ tăng từ 1,94 2,60%, Công nghiệp tăng từ 5,11-5,49%, Xây dựng tăng từ 0,89-1,90%, Nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 2,83-2,95%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng từ 2,28-2,95%.
Kịch bản phấn đấu: GRDP quý IV tăng trên 7,37%, năm 2021 tăng trên 3,0%. 
Kịch bản rủi ro: GRDP quý IV tăng thấp hơn 5,09%, cả năm 2021 tăng thấp hơn 2,35%.
 
Kịch bản tăng trưởng năm 2022 và 2023, cụ thể:
 
Kịch bản cơ sở (điều hành):
GRDP năm 2022 tăng khoảng 7,0-7,5%, trong đó: Dịch vụ vận tải, kho bãi phục hồi hoàn toàn ngay trong năm 2021.
GRDP năm 2023 tăng khoảng 7,5-8,0%, trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Hành chính và dịch vụ hỗ trợ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2023. Nếu năm 2024, 2025 GRDP duy trì tăng 7,5-8,5% thì GRDP trung bình 5 năm 2021-2025 tăng 6,5-7,0%.
Kịch bản phấn đấu: GRDP năm 2022 tăng trên 7,5% và năm 2023 tăng trên 8,0%; Nếu duy trì 2 năm 2024-2025 tăng 8,5% thì trung bình 5 năm 2021-2025 đạt trên 7,5%. 
Kịch bản rủi ro: GRDP năm 2022 tăng thấp hơn 7,0% và năm 2023 tăng thấp hơn 7,5%. Nếu 2 năm 2024-2025 tăng thấp hơn 7,5% thì trung bình 5 năm 2021-2025 sẽ thấp hơn 6,5%.
Duy trì sự ổn định kinh tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế
Để thực hiện kế hoạch này, TP sẽ kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ dịch. Thường xuyên đánh giá, cập nhật để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 
Duy trì sự ổn định kinh tế, đảm bảo cân đối ngân sách bằng việc thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu và phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN hàng năm. Quản lý sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, dự án trọng điểm. 
Về phục hồi ngành dịch vụ thương mại, xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động dịch vụ thương mại; phục hồi các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu, kênh phân phối; thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt,…
Về du lịch, TP xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động của các sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm, vui chơi giải trí, chiếu phim… Chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện sẵn sang đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội khi Chính phủ cho phép mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế. 
Về vận tải, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hang hóa đảm bảo thông suốt, an toàn. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong việc quản lý và thống nhất phân luồng, phân tuyến phương tiện vận chuyển, phương án di chuyển của người lao động đi qua Hà Nội cũng như các địa phương, không gây ách tắc lưu thông…
Về thông tin và truyền thông, TP phối hợp với các bộ ngành T.Ư để triển khai nền tảng thống nhất từ tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh đến việc hỗ trợ kiểm soát các hoạt động lưu thông hang hóa. Tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên internet. 
Về ngành công nghiệp, bên cạnh xây dựng các tiêu chí an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, TP phục hồi nhanh hoạt động sản xuất của các DN trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề… Tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.
TP cũng khởi động, đẩy mạnh hoạt động xây dựng các công trình, dự án giao thông, công nghiệp, dân dụng, thủy lợi trên địa bàn; kiểm soát tốt giá cả của thị trường nguyên liệu, vật liệu xây dựng. 
Miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 
TP Hà Nội thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, cụ thể: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52 của Chính phủ. 
 TP Hà Nội thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Ảnh: Chiến Công. 
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. 
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành. 
Giảm 30% thuế đối với hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức họat động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ ngày 1/10 đến 31/12/2021.
Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền hằng nằm. 
Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp theo Nghị định số 80 của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ. Trong đó tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa; hỗ trợ giảm tiền điện theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ. 
Đáng chú ý, TP cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo theo các chính sách của TP theo Quy định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND TP; Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019 của UBND TP. 
Hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chính sách của TP. Hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động. 
Ngoài ra, TP tập trung cải cách, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ miễn phí thủ tục pháp lý về thành lập các doanh nghiệp cho các tổ chức cá nhân.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh thủ hút đầu tư nước ngoài, phấn đấu hàng năm thu hút trên 4 tỷ USD. Khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. 
Cấn đối vốn đầu tư phát triển ngân sách TP năm 2022 khoảng trên 42 nghìn tỷ đồng. Bố trí đủ vốn cho các công trình quan trọng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng và phục vụ phát triển kinh tế xã hội…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần