Hà Nội: Ban hành Nghị quyết, quy định chính sách đặc thù hỗ trợ một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thường trực HĐND TP Hà Nội quyết nghị về quy định một số chính sách đặc thù của TP hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội.

Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, Thường trực HĐND TP Hà Nội quyết nghị về quy định một số chính sách đặc thù của TP hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của TP Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ.
Thứ hai, hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại Trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.
Thứ ba, hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.
Thứ tư, hỗ trợ người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người.
Thứ tư, hỗ trợ người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt HĐLĐ do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 21 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người.
Thứ sáu, hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký HĐLĐ nhưng phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg.
Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo điều kiện: Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người.
Thứ bảy, hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt HĐLĐ trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 do cơ sở giáo dục dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ) và không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người.
Thứ tám, hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn TPHà Nội) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/chủ cơ sở.
Ngoài ra, Nghị quyết của Thường trực HĐND cũng quy định: Hỗ trợ bổ sung cho người lao động quy định tại các nhóm đối tượng thứ 4,5,6,7 phía trên, trong các trường hợp sau: Người lao động đang mang thai - mức hỗ trợ bổ sung 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi - mức hỗ trợ bổ sung 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức ''Xe buýt siêu thị 0 đồng'' đến trao những túi quà chia sẻ, động viên người lao động 
Nghị quyết này cũng nêu rõ, việc hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên phải đảm bảo các nguyên tắc: Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không để lợi dụng trục lợi chính sách; mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia; mỗi đối tượng chỉ được hưởng một (1) trong số các chế độ hỗ trợ nêu từ Khoản 2 đến Khoản 8 Điều 1 (trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất, người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết này); các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Phương thức hỗ trợ là chi trả 1 lần trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.
Nguồn kinh phí hỗ trợ là ngân sách TP đảm bảo kinh phí chi trả cho các đối tượng thụ hưởng do các sở, ngành thực hiện; ngân sách quận, huyện, thị xã sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng; ngân sách TP kịp thời bổ sung kinh phí còn thiếu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện chính sách.
Để thực hiện, trong Nghị quyết, Thường trực HĐND TP giao UBND TP tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; rà soát nguồn và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách các cấp để thực hiện chính sách; chỉ đạo tiếp tục rà soát các đối tượng gặp khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế của TP; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết và báo cáo HĐND TP tại các kỳ họp.

Ngày 13/8, HĐND TP Hà Nội có Văn bản 217/HĐND-KTNS về bổ sung nguồn vốn ngân sách TP năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Thường trực HĐND TP đã nhận được Văn bản 2638/UBND-KGVX ngày 13/8/2021 của UBND TP về việc bổ sung nguồn vốn ngân sách TP năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP để hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay trên địa bàn TP. Sau khi xem xét, Thường trực HĐND TP thống nhất với đề xuất của UBND TP về bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP để cho vay đối với người lao động có nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để hướng dẫn những đối tượng có nhu cầu vay vốn hoàn thiện hồ sơ và cho vay kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích theo thứ tự ưu tiên của TP. 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần