Hà Nội: bảo đảm an toàn các trọng điểm đê điều xung yếu
Kinhtedothi - Bước vào cao điểm mùa mưa bão, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối các trọng điểm xung yếu đê điều là nhiệm vụ được TP Hà Nội đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trước diễn biến ngày một bất thường, khó lường của các loại hình thiên tai.
Nguy cơ mất an toàn từ 5 trọng điểm
Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (xã Đông Anh) luôn nằm trong nhóm các trọng điểm đê điều xung yếu của TP Hà Nội. Khu vực đê nằm sát sông Đuống, mái kè là mái đê, chiều cao đê lớn. Vị trí cửa vào sông Đuống có dòng chảy phức tạp, sông hẹp, nước chảy siết.
Trong khu vực còn có cống lấy nước Long Tửu, đáy cống thấp và đã được xây dựng từ những năm 1962, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế những năm vừa qua, khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu thường xuyên xảy ra sự cố lún sụt, nứt, trượt mái đê, kè.

Khu vực cống Cẩm Đình là một trong những trọng điểm đê điều xung yếu của TP Hà Nội.
Trong khi đó, đê hữu Cầu đoạn qua địa phận xã Đa Phúc liên tục xảy ra sự cố lún sụt, đùn sủi, nứt mặt đê nghiêm trọng vào các năm 2018, 2020, 2023, 2024. Đoạn đê này có địa chất nền, thân đê yếu nên nguy cơ xảy ra sự cố thường trực khi mực nước sông Cầu vượt báo động II (lên cao trên 7m).
Một trọng điểm đê điều xung yếu khác của TP Hà Nội là khu vực cống Cẩm Đình thuộc tuyến đê Vân Cốc (xã Phúc Lộc). Vào năm 2016, 2017, cống đã xuất hiện sự cố mạch đùn, mạch sủi. Hiện nay cống Cẩm Đình đã được gia cố nhưng chưa làm việc trong điều kiện có lũ cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn.
Ngoài 3 khu vực nêu trên, Hà Nội còn có 2 trọng điểm đê điều xung yếu khác là cống Liêm Mạc ven đê hữu Hồng (phường Đông Ngạc) và cống Yên Sở ven đê hữu Hồng (phường Yên Sở). Hai công trình đều đã xuất hiện một số hư hỏng nứt, lún, thấm và xuất hiện mạch sủi, đe doạ an toàn hệ thống đê điều.
Chủ động phương án ứng phó
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, 5 trọng điểm đê điều xung yếu đều nằm trên những tuyến đê quan trọng đối với nhiệm vụ phòng, chống lũ, bảo vệ vùng Thủ đô. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn luôn được chú trọng ở mức cao nhất.
Vừa qua, đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế hiện trạng các trọng điểm đê điều xung yếu. Hoạt động kiểm tra cho thấy vẫn còn một số vấn đề phát sinh cần được quan tâm xử lý. Dù vậy, chính quyền các địa phương cũng cho thấy sự chủ động nhất định.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội kiểm tra hiện trạng công trình cống Liên Mạc.
Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phúc Hoàng Thị Hà cho biết, để bảo đảm an toàn tuyến đê hữu Cầu, chính quyền địa phương đang triển khai thi công nâng cấp sửa chữa. Xã cũng đã bố trí đầy đủ vật tư tại các điếm canh, bố trí nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng xử lý sự cố theo từng tình huống cụ thể.
Tại cụm công trình tiêu úng Yên Sở, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Phạm Ngọc Toàn cho biết, đơn vị đã hoàn tất việc khắc phục sự cố công trình xảy ra từ mùa mưa lũ năm 2024. Hiện, đang phối hợp với một số đơn vị để thực hiện việc bổ sung vật tư dự phòng nhằm bảo đảm công tác vận hành trạm.
Trên cơ sở phương án bảo vệ trọng điểm, xung yếu đê điều đã được phê duyệt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đề nghị UBND các xã, phường ven đê cần triển khai cụ thể tại thực địa theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý phân công rõ người, rõ việc, xác định cụ thể vị trí, số lượng và chất lượng các nguồn lực được huy động.
“Phương án ứng phó cần được cập nhật thường xuyên, sát với diễn biến thực tế, tránh tình trạng lúng túng khi có tình huống bất thường xảy ra…” - ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm túc chế độ tuần tra, canh gác đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định hiện hành; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các sông, diễn biến bờ bãi, tình trạng công trình đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu như đê sát sông, các cống dưới đê... để kịp thời báo cáo, tổng hợp và xử lý ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên toàn TP Hà Nội.
Trích dẫn
“Các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát để kịp thời phát hiện những dấu hiệu mất an toàn tại các trọng điểm đê điều xung yếu, từ đó đề ra phương án khắc phục phù hợp với thực tế. Những nội dung vượt thẩm quyền, cần nhanh chóng báo cáo để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối các trọng điểm xung yếu đê điều, nhiệm vụ được thành phố đặt lên hàng đầu trong cao điểm mùa mưa bão năm nay…” - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du.

Báo chí thúc đẩy phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Kinhtedothi - Nếu như trước đây, bão vào Biển Đông không vượt quá cấp 15 thì từ năm 2016 đã xuất hiện siêu bão (tức là cấp 16 trở lên). Bình quân 10 năm qua, mỗi năm có khoảng 240 người chết và mất tích do các loại hình thiên tai gây ra.

Ứng phó tổ hợp thiên tai phức tạp đe doạ miền Bắc
Kinhtedothi - Từ ngày 9/7, mưa đã diễn ra tại nhiều tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ, nhất là vùng núi và trung du. Dự kiến, mưa sẽ mở rộng ra các địa phương khác và kéo dài trong nhiều ngày. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang rốt ráo chỉ đạo công tác ứng phó.

Hà Nội: cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống thiên tai
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các xã, phường quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo Trung ương và TP Hà Nội về chủ động phòn ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.