Nhiều hồ sơ sản phẩm bị loại
Thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP năm 2022, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP TP, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai nhiệm vụ; tiếp nhận hồ sơ, tham mưu giúp Hội đồng OCOP TP tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2022.
Theo đó, Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 529 hồ sơ tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 của 195 chủ thể thuộc 26 quận, huyện. Trong số này, 518 hồ sơ sản phẩm của 191 chủ thể đủ điều kiện tham gia đánh giá lần 1.
Tính đến tháng 3/2023, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ NN&PTNT xem xét, phân hạng; còn lại 1.098 sản phẩm OCOP 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Trong 518 hồ sơ sản phẩm đủ điều kiện đánh giá lần 1, ngành thực phẩm chế biến chiếm nhiều nhất với 225 sản phẩm; tiếp đến là ngành thủ công mỹ nghệ có 168 sản phẩm; sau đó là thực phẩm tươi sống có 76 sản phẩm; ngành đồ uống có 12 sản phẩm; ngành thảo dược có 22 sản phẩm; ngành vải may mặc 13 sản phẩm.
Đáng chú ý khi lần đầu tiên, Hà Nội có 2 sản phẩm thuộc nhóm lĩnh vực dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được đánh giá, phân hạng OCOP. Cụ thể là điểm du lịch Green Park (huyện Gia Lâm) và điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Trong số 529 hồ sơ đề xuất đánh giá, phân hạng OCOP năm 2022, có 11 hồ sơ của 4 chủ thể, thuộc 2 huyện: Mỹ Đức (4 hồ sơ), Chương Mỹ (4 hồ sơ) và quận Hà Đông (3 hồ sơ) chưa đủ điều kiện đánh giá, phân hạng lần 1. Tổ tư vấn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã đề nghị Hội đồng OCOP quận, huyện hướng dẫn các chủ thể tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng ở những đợt tiếp theo.
Không chạy theo số lượng
Điều đáng mừng, nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP thời gian qua của Hà Nội tiếp tục nhận được sự tham gia của đa dạng chủ thể. Trong số 191 chủ thể, có 49 doanh nghiệp với 169 sản phẩm, chiếm 32,6%; 39 hợp tác xã có 100 sản phẩm, chiếm 19,3%; 103 hộ kinh doanh với 249 sản phẩm, chiếm 48,1%...
Chương trình OCOP năm 2022 cũng đã có sự tham gia của 26/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, huyện Chương Mỹ dẫn đầu với 46 sản phẩm được đánh giá. Tiếp đến là các huyện Phú Xuyên, Đông Anh - mỗi địa phương có 40 sản phẩm; huyện Ba Vì 37 sản phẩm, huyện Quốc Oai 31 sản phẩm, huyện Thanh Oai 29 sản phẩm…
Sau khi các sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng lần 1, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu phân tích nhóm sản phẩm có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả phân tích mẫu cho thấy: 327/327 sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được các đơn vị thực hiện nghiêm túc từ cấp cơ sở đến TP; tuân thủ nghiêm các quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sản phẩm không bảo đảm tiêu chí, hồ sơ chưa hoàn thiện đều bị hội đồng TP loại để bảo đảm công bằng, khách quan.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, năm 2023, TP tiếp tục đặt mục tiêu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP, nhưng trên tinh thần không chạy theo số lượng. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn TP phấn đấu có thêm khoảng 2.000 sản phẩm OCOP. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực của các quận, huyện, thị xã, cũng như sự ủng hộ của các chủ thể.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở ngành là thành viên Hội đồng OCOP TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã giao Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội hoàn thiện hồ sơ đối với 518 sản phẩm để làm cơ sở trình UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận là sản phẩm OCOP năm 2022.