Hà Nội: Bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa dịp Tết Quý Mão

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 13/1, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp với các ban HĐND TP thực hiện khảo sát công tác cung ứng hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm, chống hàng giả và phòng chống cháy nổ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đoàn khảo sát của các Ban HĐND TP khảo sát về tình hình cung ứng hàng hóa, an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Đoàn khảo sát của các Ban HĐND TP khảo sát về tình hình cung ứng hàng hóa, an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP, Đoàn nhận định, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng và hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh để triển khai cung ứng đủ hàng hóa Tết.

Theo đó, các hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15% đến  30% so với năm trước. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa đã được tăng cường từ 15% đến 40%, sẵn sàng phục vụ người dân. Các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu, sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đẩy mạnh hoạt động cung ứng hàng hóa dịp Tết, đưa vào vận hành thêm 28 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, nâng số điểm bán sản phẩm này lên 85 điểm toàn TP; tham mưu chấp thuận cho 161 xe chở hàng hóa thiết yếu của 24 doanh nghiệp hoạt động 24/24h, đảm bảo lưu thông hàng hóa. Đồng thời, triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa đảm bảo phục vụ Nhân dân qua nhiều hình thức như tổ chức các hội chợ, tuần trái cây nông sản, tham gia các hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh thành. Trong đó, đã hỗ trợ giới thiệu trên 2.500 sản phẩm OCOP các tỉnh thành về thị trường Hà Nội; hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 420 nghìn tấn hàng hóa từ các tỉnh, TP...

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Đoàn khảo sát ghi nhận, các ngành của TP đã kiểm tra an toàn thực phẩm của 44 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; phát hiện xử phạt hành chính 7 doanh nghiệp. Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, cấp 849 biển nhận cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn và 1.100 biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Đề án.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.511 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái... Trong đó, kiểm tra, xử lý 292 vụ về an toàn thực phẩm và 59 vụ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Thành viên Đoàn khảo sát ghi nhận các hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15% đến 30% so với năm 2022.
Thành viên Đoàn khảo sát ghi nhận các hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15% đến 30% so với năm 2022.

Đối với công tác phòng chống cháy nổ, các đơn vị, trung tâm thương mại đã quan tâm triển khai các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; bố trí sắp xếp khu vực sản xuất, kinh doanh, kho hàng, quầy hàng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, cảo tạo, thay thế phương tiện, dụng cụ nhằm bảo đảm phòng cháy, chữa cháy đối với hoạt động thương mại.

Công an TP cho biết, theo biên bản kiểm tra định kỳ của Công an quận Hà Đông và Công an quận Cầu Giấy (nơi có các siêu thị), các cơ sở chấp hành đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy.

Để bảo đảm hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa dịp Tết, Đoàn khảo sát đề nghị các ngành chức năng của TP, đặc biệt là Sở Công Thương tiếp tục cập nhật, thông tin thường xuyên về các địa điểm mở cửa, bán hàng dịp Tết phục vụ Nhân dân; phối hợp với các tỉnh, TP trong công tác thông tin về nguồn cung hàng hóa, liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; thực hiện thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn  thực phẩm…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần