Hà Nội bảo đảm tốt các mục tiêu an ninh lương thực quốc gia

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì đầu cầu Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Tham dự hội nghị còn có đại diện các bộ, ban ngành, địa phương, một số hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học… 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì đầu cầu Hà Nội 
Thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 (theo Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63 ngày 23/12/2009 của Chính phủ), TP Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện bằng các chương trình, quy hoạch, chính sách cụ thể.
TP đã phê duyệt Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015; Quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng 2030; Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển sản xuất lúa theo hướng bền vững giai đoạn đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn; phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020...
Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2010 - 2019 đạt 76.451 tỷ đồng. Trong đó, nhiều tập thể, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tham gia, ủng hộ, đóng góp kinh phí tương đương 15.000 tỷ đồng (chiếm 19,3%) kinh phí phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.
Kết quả, trong những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, hạn hán; song với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng và phát triển ổn định.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010 - 2019 là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2019 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010. Từ năm 2009 đến nay, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1 triệu tấn.
Cơ giới hoá trong canh tác nông nghiệp tại Hà Nội.
Đến nay, toàn TP xây dựng và phát triển được133 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội.
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm (tăng 38,5 triệu đồng so với năm 2010).
Từ thành công và hạn chế trong 10 năm chỉ đạo thực hiện triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ, TP đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Ở đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết, cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình; đồng thời cụ thể hóa chương trình bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, đảm bảo dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao. Chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất như thủy lợi, giao thông nội đồng.
Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa... Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.
Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn ở cấp cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả; coi trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần