Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Tạo bước chuyển mạnh hướng tới người dân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 1/7/2021, tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây TP Hà Nội bắt đầu tổ chức triển khai “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT)”. Dấu mốc quan trọng này sẽ góp phần xây dựng chính quyền ở khu vực đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, phục vụ người dân và DN nhanh hơn, tốt hơn.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Bước chuyển quan trọng
Tính từ thời điểm Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về “Thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại TP Hà Nội” (27/11/2019), cùng với các bộ, ngành, TP Hà Nội đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để triển khai một mô hình mới, tháo gỡ các “nút thắt” trong hiện tại. Để cụ thể hóa trong triển khai, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97.

Vậy từ 1/7/2021, mô hình CQĐT được thí điểm ở Hà Nội sẽ định hình ra sao? Theo Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội, chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; ở các phường thuộc quận, thị xã là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường, nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã như: Quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách của các phường...

Như vậy, UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn. Điều này đòi hỏi nhân sự Chủ tịch UBND phường phải có năng lực, trình độ, phẩm chất và trách nhiệm cao. Tương tự, đội ngũ công chức làm việc tại phường cũng phải có những tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Việc phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn giúp nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng. Để thuận lợi cho việc chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, từ cấp TP đến các quận, phường đã sớm có sự chủ động để chuẩn bị các bước trong triển khai. Tại TP, từ những năm trước, đã tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý, một trong những định hướng trọng tâm phát triển TP là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, từng bước để đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ TP tới cơ sở tiếp cận, làm quen với việc quản lý theo mô hình CQĐT.

Sẵn sàng để triển khai

Đến thời điểm hiện nay, TP Hà Nội và các sở, ngành, UBND các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thiện việc triển khai các công việc theo đúng kế hoạch. Tại một số quận, đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường để chuẩn bị vận hành mô hình hành chính mới; sắp xếp công tác cán bộ và các công việc hành chính liên quan.

Tại kỳ họp vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi tỉ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. TP cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc triển khai một số nội dung về tài chính - ngân sách khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị… Công an TP hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp với UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…; Sở Nội vụ đã hướng dẫn về việc chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức cấp xã ở phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý.

Đặc biệt, UBND TP đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường, với nhiều điểm khác so với quy chế hiện nay các phường đã và đang thực hiện. Theo đó, quy chế này xác định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc của UBND phường với vị trí là một cơ quan hành chính. Chủ tịch UBND phường điều hành hoạt động của UBND phường trên cương vị là thủ trưởng cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về mọi chỉ đạo, điều hành, quyết định về các lĩnh vực công tác của phường.

Quy chế cũng là rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của UBND phường với các cơ quan, tổ chức liên quan, cũng như về chế độ hội họp, giải quyết công việc, quản lý văn bản của UBND phường… Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND phường sẽ căn cứ vào đặc thù quản lý, đặc điểm cụ thể của địa phương ban hành quy chế làm việc của cơ quan để thực hiện, bảo đảm phù hợp với quy chế mẫu và đúng quy định của pháp luật.

Cùng với TP, hiện các quận, phường cũng đã đưa ra phương án triển khai của đơn vị mình. Do bắt đầu một mô hình mới mà TP chưa có tiền lệ, nên vẫn còn những lúng túng cần tiếp tục tháo gỡ để việc vận hành được thuận lợi. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc phân cấp quản lý hợp lý để các đô thị chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, sẽ tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Với mô hình này, cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Để triển khai hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn từ 1/7, chúng tôi đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận đến các phường khẩn trương bắt tay ngay vào triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, thực hiện rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức phường; bố trí sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức theo đúng quy định và vị trí việc làm; đảm bảo tổ chức, bộ máy của UBND các phường tinh gọn, góp phần cho công tác điều hành hoạt động giữa UBND quận và UBND phường từng bước được đổi mới, hoàn thiện. Bên cạnh đó, hướng dẫn, phổ biến và quán triệt Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ tới toàn thể cán bộ, công chức trong quận, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà
Phường đã ban hành quy chế làm việc của UBND phường thực hiện từ ngày 1/7/2021. Quy chế đã được tất cả các thành viên UBND phường thống nhất và đồng thuận cao để làm cơ sở đảm bảo hoạt động của chính quyền đô thị phường khi đi vào hoạt động. Đến nay, về cơ bản cả hệ thống chính trị và người dân toàn phường đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẽ bước vào việc tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị tại phường từ ngày 01/7/2021 với tâm thế tốt nhất.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) Nguyễn Anh Tuấn
Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường, tôi cho rằng thực tế không có gì thay đổi nhiều về công việc, bởi dù bỏ HĐND phường nhưng hoạt động của phường vẫn dưới sự giám sát của HĐND quận. Song, từ chính quyền 3 cấp thành chính quyền 2 cấp, nên giải quyết công việc cho người dân sẽ triển khai nhanh hơn. Trong đó có việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký các hồ sơ chứng thực nên sẽ thường xuyên và trực tiếp luôn, không phải chờ lãnh đạo ký nữa; lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang