Không kén người uống, già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giới tính, tuổi tác, hay học vấn. Từ những cụ già, trung niên, anh công nhân, anh shiper, bác thợ điện, nhóm sinh viên hay cả những nhân viên công sở chỉnh tề trang phục đều có thể trở thành “khách ruột”. Đồ nghề có lẽ ít có hàng quán nào đơn giản hơn, chẳng treo bày bảng hiệu, cũng chẳng màu mè trang hoàng, có khi chỉ là tấm biển viết tay nhưng không gian tổng thể giản dị ấy ai cũng có thể ngồi. Vài chiếc ghế nhựa, ấm trà nóng, âu đá, vài chiếc cốc, vài thanh kẹo lạc, kẹo dồi là đã trở thành nơi mà bất kỳ ai cũng có thể giao lưu, truyện trò mà không có khoảng cách.
Trà thường có vị đắng chát, nên để cân bằng vị giác, người ta thường ăn kèm theo một chiếc kẹo lạc hay kẹo dồi ngọt bùi, có người lại thích uống trà với chè lam. Nhấm nháp vị chan chát, rồi ngọt dần trong miệng mát xuống tận ruột, nhẩn nha miếng kẹo cay cay, bùi bùi trong miệng quả là một sự kết hợp tinh tế. Mùa Hè là thức uống giải khát, mùa Đông là thức uống giúp ấm bụng, ấm lòng. Có lẽ, đằng sau tất cả những ồn ào và xô bồ thì trà đá vỉa hè là một nét văn hóa đậm chất riêng của Hà Nội.
Chúng ta có thể nắm bắt các tin tức chính thống qua ti vi, tờ báo giấy, những trang mạng xã hội, nhưng những "kênh" từ quán trà đá vỉa hè cũng là nơi cập nhật những tin tức rất nhanh nhạy. Từ chuyện chính trị, xã hội, tới chuyện trong làng, ngoài ngõ, đều được mang ra bàn tán, phân tích, trở thành chủ điểm để chia sẻ và bày tỏ quan điểm của mỗi người.
Trà đá vỉa hè không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa và xã hội đặc trưng của Hà Nội trải qua nhiều thế hệ. Đó là biểu tượng của sự bình dân, giản dị và gắn kết của những người dân thành phố. Ai đó nói với tôi, người thành phố xa lạ lắm, nhà nào biết nhà đấy, chẳng ai giao lưu với ai, nhưng nhìn vào những quán trà đá vỉa hè, thì có thể thấy, giàu nghèo, tuổi tác đã không còn khoảng cách nữa. Không quá khi nói rằng, những quá trà đá vỉa hè là nơi để chúng ta xích lại gần nhau hơn trong những câu chuyện không đầu không cuối.
Một góc nhìn văn hóa khác, trà đá vỉa hè còn mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống. Cách chế biến và pha trà, thẩm trà đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Những người bán trà đá vỉa hè không chỉ là những người bán hàng mà còn là những người gìn giữ và trao truyền cảm hứng cho nét văn hóa độc đáo này.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải khát mà còn tạo ra một không gian gặp gỡ, trò chuyện và giao lưu xã hội.Tới giờ, trà vỉa hè không chỉ đơn thuần là thức uống, là món giải khát nữa, mà thực sự là nét văn hóa bình dị của người Hà Nội. Đâu đó tôi nghe được rằng, Hà Nội vội vã lắm nhưng bao lo toan bộn bề dường như tạm gác lại sau những ly trà không khoảng cách. Một điều giản dị, gần gũi bình thường nhưng len lỏi vào đời sống một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Giản dị vậy đó, nhưng trà đá vỉa hè lại là nỗi nhớ, niềm thương của những người con xa Hà Nội và là sự tò mò thôi thúc khám phá với những du khách khi đến với mảnh đất ngàn năm văn hiến này.