Phiên chất vấn về nhóm vấn đề giải quyết việc làm trên địa bàn TP Hà Nội các đại biểu đã quan tâm và đề nghị làm rõ các giải pháp đào tạo nghề để phát triển lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tình hình mới; giải pháp phân tích, dự báo thị trường lao động - nhất là với nhóm ngành nghề mới nổi là kinh doanh trên sàn điện tử.
Quan tâm đến việc làm mới nổi sau đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ huyện Quốc Oai) nêu vấn đề: hiện đã xuất hiện một nghề mới, phổ biến không chỉ ở Việt Nam và các quốc gia khác là nghề bán hàng qua mạng với việc xuất hiện các live streamer, tiktoker, youtuber. Vậy TP thực hiện công tác phân tích, dự báo thị trường lao động và đánh giá nguồn nhân lực của Hà Nội như thế nào?
Đồng thời, trên cơ sở phân tích dự báo TP có định hướng các nghề tập trung đào tạo trong 5-10 năm tới, chiến lược phát triển công tác đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở phát huy lợi thế của Thủ đô và sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có 6 phòng chuyên môn, trong đó có 1 phòng phân tích, dự báo về thị trường lao động. Hằng tháng, đơn vị có bảng tin đánh giá về nội dung này thông qua website, Zalo, bản tin chuyên đề. Theo đánh giá, phân tích thị trường lao động xu hướng hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực tập trung ở 2 lĩnh vực lớn: dịch vụ và du lịch; công nghiệp sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Về chiến lược phát triển thị trường lao động trong 5-10 năm tới của Hà Nội dựa trên 3 nguyên tắc, trong đó nguyên tắc thứ nhất là cơ cấu kinh tế xã hội và chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 5 năm làm căn cứ để đào tạo nguồn nhân lực. Nguyên tắc thứ hai dựa trên nhu cầu của thị trường. Cuối cùng, dựa trên nền tảng, thế mạnh mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong 5 năm tới, 3 nhóm nghề mà TP tập trung đào tạo theo xu hướng, nhu cầu gồm: công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, trong Đề án về nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội có đưa ra 6 nhóm ngành nghề, ngoài 3 nhóm ngành nêu trên, TP bổ sung thêm các ngành nghề liên quan đến phát triển văn hóa, nghệ thuật; công nghiệp văn hóa; y tế chăm sóc sức khỏe.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ huyện Thường Tín) đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết giải pháp giáo dục nghề gắn chặt với thị trường lao động và nhu cầu của từng ngành, địa phương.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin: trên cơ sở rà soát các quận huyện thị xã sở đã tham mưu UBND TP ban hành danh mục trình HĐND TP ban hành đơn giá 30 nghề đã được HĐND TP thông qua năm 2023. Bảo đảm nghề nghiệp gắn với thực tế thị trường thì Sở tiếp tục phối hợp quận huyện thị để rà soát có đề xuất điều chỉnh 78 nghề này rút đi 14 nghề, bổ sung 15 nghề mới.
Đồng thời, Sở đã kịp thời tham mưu ban hành danh mục đào tạo nghề, trong đó có cả nghề livestream bán hàng, giúp việc gia đình. Trong số 77 nghề này có 24 nghề nông nghiệp, 23 nghề phi nông nghiệp trong đó có 9 nghề liên quan nghề truyền thống.
Giám đốc Sở LĐTB&XH cũng khẳng định, giải pháp gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động hết sức căn cơ hiệu quả trong thời gian qua. Thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho TP cũng như tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, gắn kết với doanh nghiệp trong tìm kiếm việc làm.