LTS: 65 năm qua, cùng với phong trào cách mạng, công tác thi đua yêu nước của Thủ đô lúc êm đềm lặng lẽ, khi bùng lên sôi sục. Nhưng xuyên suốt mạch chảy trong hai phần ba thế kỷ đó là tinh thần yêu nước nồng nàn của những thế hệ người Hà Nội. Mồ hôi và cả xương máu của những người con ưu tú trên mảnh đất ngàn năm văn hiến và anh hùng đã đổ vì sự hưng vong của Tổ quốc và Thủ đô, để đến hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô có thể tự hào vì đã thực hiện xuất sắc "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác Hồ kính yêu. Bởi chính Hà Nội là nơi khởi phát nhiều phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu, quan trọng trong cả nước. Là nơi nuôi dưỡng, duy trì và đưa phong trào thi đua phát triển đến đỉnh cao, đạt được những thành tựu vững chắc về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Tiêu biểu cho các phong trào thi đua là phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Ba điểm cao", "Ba quyết tâm", "Hai tốt"...
Hơn 1.300 cán bộ chiến sĩ tiêu biểu cho lực lượng Công an Thủ đô làm lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình, trước khi báo công dâng Bác ngày 9/6.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thành công cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, dân tộc ta. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước phát huy truyền thống yêu nước, hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm". Những nắm gạo cứu đói, "Hũ gạo kháng chiến", đặc biệt tấm gương mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp đồng bào đang bị đói của Bác đã thúc đẩy một phong trào “nhường cơm sẻ áo", giúp hàng triệu đồng bào đang bị nạn đói đe dọa. Những người nông dân ngoại thành và bà con dân nghèo thành thị, những nạn nhân của chế độ ngu dân suốt 80 năm thuộc Pháp, đã hăng hái tham gia phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Tháng 9/1945, hưởng ứng "Tuần lễ vàng", nhân dân Hà Nội đã tự nguyện đóng góp hơn 2.200 lạng vàng và nhiều tiền bạc, lương thực, dẫn đầu trong cả nước, góp phần giải quyết những khó khăn của cách mạng trong thời kỳ trứng nước. Đặc biệt, mùa đông 1946, quân dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp bằng kỳ tích "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", giam chân giặc suốt 60 ngày đêm, góp phần bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự tiếp nối truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc, là sự khởi đầu tốt đẹp thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhằm phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân, đáp ứng những yêu cầu to lớn của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"; mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một người chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa..."; "Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc". Bác tin tưởng: "Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi khó khăn, mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi".Ngay sau đó, trong bài thơ chúc Tết năm 1949, Bác viết:
"Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ngày ngày thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua".
Hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Hồ Chủ tịch và bức thư của Bác gửi đồng bào vùng Hà Nội" (4/1949): "Đồng bào Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to". Bác khuyên: "Đồng bào Hà Nội trước đã cố gắng, nay cố gắng thêm, trước đã đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sĩ ta". Mặc dù sống trong vùng tạm chiếm, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, nhân dân Hà Nội đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp với nhiều hình thức phong phú và thu được kết quả quan trọng. Đại bộ phận cử tri Hà Nội không đi bỏ phiếu "Hội đồng Thành phố" bù nhìn, "Hội đồng hương chính" ở các xã; học sinh, sinh viên bãi khóa, chống văn hóa nô dịch, chống bắt lính. Tiểu thương bãi thị, chống thuế. Công nhân đòi tăng lương... lực lượng vũ trang tập kích sân bay Bạch Mai (1950) và sân bay Gia Lâm (1954), phá hủy 140 máy bay địch là những thắng lợi quân sự vang đội. Cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế, văn hóa, kết hợp với đấu tranh chính trị và những hoạt động quân sự đã tiến công kẻ thù ngay ở sào huyệt của chúng và giành được thắng lợi to lớn. Đó là minh chứng cho tinh thần yêu nước, hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, một lòng, một dạ hướng về cách mạng, về Đảng và Bác Hồ kính yêu của nhân dân Thủ đô.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng thu được nhiều thắng lợi, Bác nhắc nhở quân dân ta: "Càng thắng lợi, càng phải thi đua; càng thi đua, càng mau thắng lợi. Cần phải phát triển rộng rãi thi đua, để làm sao cho người người thi đua, ngành ngành thi đua". Tháng 7/1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc chuyển sang một giai đoạn mới đầy khó khăn gian khổ và hy sinh. Khôi phục kinh tế, xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô XHCN là nhiệm vụ lớn lao, trách nhiệm nặng nề của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhân dân Hà Nội giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Trong "Lời kêu gọi nhân dân Thủ đô giải phóng", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh". Ngày 13/10/1954, Bác lại viết bài đăng trên báo Nhân Dân động viên nhân dân Hà Nội: "Mỗi người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta". Một tháng sau, ngày 11/11/1954 , Bác gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tiếp quản Thủ đô và không quên căn dặn: "Phải luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc".
Ngày 29/4/1955, đến dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn thành phố, Bác biểu dương và tặng Huy hiệu cho 35 đại biểu có thành tích thi đua xuất sắc nhất. Đến tháng 3/1957, Hà Nội đã đạt nhiều thành tích trong việc khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị "Chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp Hà Nội". Nói chuyện với Đại hội Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ ba (23/5/1958), Bác chỉ ra mối quan hệ giữa thi đua và yêu nước: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất". Ngày 14/4/1962, Người lại đến thăm và khen ngợi các đại biểu dự Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua Thành phố. Trong hai năm (1966 - 1967), bốn lần Bác gửi thư khen quân dân Thủ đô đã chiến đấu anh dũng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và thật cảm động, ngày 1/9/1969, một ngày trước khi qua đời, nằm trên giường bệnh, Bác đã nhắc các đồng chí thư ký tặng lẵng hoa của Bác để biểu dương thành tích đội cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình nhân ngày Quốc khánh. Không thể kể hết những nơi Bác đã đến thăm, không thể nói hết về sự quan tâm, động viên của Bác đối với phong trào thi đua yêu nước ở Hà Nội. Mỗi địa phương, đơn vị cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua, Bác đều động viên khen thưởng kịp thời. Phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội cũng không tránh khỏi những khuyết nhược điểm cần được khắc phục. Theo dõi phong trào, Bác đã nghiêm khắc phê bình hiện tượng này. Ví dụ: Ngày 22/6/1955, với bút danh C.B trong bài "Thi đua đắp đê" đăng trên báo Nhân Dân, Bác viết: "Đê ngoại thành Hà Nội đắp xong trước thời hạn - thế là làm nhanh. Nhưng mái đê đắp không kỹ, cỏ cấy không đều, sau vài trận mưa thì đê sẽ sụt - thế là làm không tốt. Nay cần phải sửa lại, phải tốn thêm công, tốn thêm của lần nữa - thế là không làm rẻ - không tốt, không rẻ thì làm nhanh cũng vô ích". Sau thời kỳ khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, Hà Nội bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) với khí thế thi đua sôi nổi và tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.
Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước là thời kỳ các phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước. Ở miền Bắc, đó là phong trào "Sóng Duyên Hải"; "Gió Đại Phong"; "Cờ Ba nhất"; "Tiếng trống Bắc Lý"... Quân dân Thủ đô, với tinh thần thi đua yêu nước đã đưa khí thế thi đua này về từng nhà máy, xí nghiệp, trên các cánh đồng, trong mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, trường học. Trong ngành công nghiệp Hà Nội, đặc biệt là ngành cơ khí đã dấy lên phong trào thi đua cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí. Đi đầu trong phong trào này là các nhà máy, xí nghiệp, quốc doanh như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy cơ khí Hà Nội - đứa con đầu lòng của nền công nghiệp hiện đại Việt Nam... Đến năm 1962, công nghiệp Hà Nội chiếm 28,2% giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc, công nghiệp cơ khí Hà Nội bằng 98,8% sản lượng cơ khí toàn miền Bắc.
Khi phong trào thi đua "Gió Đại Phong" thổi về nông thôn ngoại thành Hà Nội, hàng vạn nông dân đã hăng hái hưởng ứng. Đặc biệt, ngày 17/8/1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người phụ trách công tác thi đua của T.Ư lúc đó) đã về xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì phát động phong trào "Gió Đại Phong" và sau đó Tòng Bạt đã trở thành một điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội và cả miền Bắc. "Cờ Ba Nhất" vẫy gọi, động viên các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang phấn đấu, rèn luyện để sẵn sàng bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc. "Tiếng trống Bắc Lý" giục giã thầy trò trong ngành giáo dục Thủ đô thi đua dạy tốt, học tốt. Nhiều trường ở Thủ đô từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 đến cấp 3 đã được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc. Số giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi ở các trường đều tăng. Từ năm 1964, đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm của hậu phương lớn nên có vị trí rất quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - xã hội, nơi tập trung cao nhất trí tuệ, ý chí, niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng là mục tiêu đánh phá quan trọng nhất của bọn xâm lược.
Ngày 29/6/1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Hà Nội. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Hưởng ứng lời kêu gọi vang dậy núi sông của Bác, một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng đã bùng lên mạnh mẽ trong tất cả các tầng lớp nhân dân Hà Nội và lực lượng vũ trang Thủ đô. Tiêu biểu cho phong trào thi đua trong giai đoạn này là phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Ba điểm cao", "Ba quyết tâm", "Hai tốt"... Khởi phát từ Hà Nội, "Ba sẵn sàng" đã trở thành phong trào cách mạng rộng lớn của thanh niên Việt Nam. "Ba sẵn sàng" là khẩu hiệu, là mệnh lệnh chiến đấu, là lý tưởng sống của tuổi trẻ lúc đó. Kể từ cuộc xuống đường biểu dương lực lượng đêm 9/8/1964 tại quảng trường Nhà hát Lớn của 26 vạn thanh niên Hà Nội hừng hực tinh thần "Ba sẵn sàng", chỉ sau một tuần đã có 20 vạn thanh niên ghi tên tình nguyện, không ít những lá đơn được viết bằng những giọt máu đào của tuổi trẻ Thủ đô.
Phong trào "Ba sẵn sàng" đã thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trào cách mạng cho lớp lớp thanh niên miền Bắc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Đây là phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô trong thế kỷ XX, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuổi trẻ Thủ đô tự hào vì Hà Nội chính là nơi khởi nguồn và cũng là nơi phong trào "Ba sẵn sàng" phát triển rầm rộ nhất trong cả nước, xứng đáng với lời khen ngợi, biểu dương và niềm tin của Bác Hồ: "Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang".
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu trong Lễ kỷ niệm 45 năm phong trào "Ba sẵn sàng" đã khẳng định: "Đó chính là một phong trào khơi đúng mạch nguồn yêu nước và cách mạng của tuổi trẻ Thủ đô, một phong trào có ý nghĩa cách mạng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc... Lớp lớp thanh niên của phong trào "Ba sẵn sàng" đã tô thắm lá cờ đỏ vinh quang của Tổ quốc".
Từ phong trào "Ba sẵn sàng", thanh niên Hà Nội đã có nhiều hình thức phong phú lôi cuốn tuổi trẻ vào những hành động cách mạng và "Chiếc gậy Trường Sơn" là một hoạt động như thế. Xuất phát từ xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nơi thành lập đội thanh niên xung phong, các thanh niên "Ba sẵn sàng" của Ứng Hòa có mặt tại các chiến trường ác liệt nhất nơi tiền tuyến lớn miền Nam, trở thành những "Dũng sĩ Trường Sơn quyết thắng" đã gửi về quê hương ba chiếc gậy tre để chống trên đường hành quân vạn dặm, trèo đèo lội suối, vượt mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, những thanh niên "Luyện sức thật dẻo dai, hành quân đêm ngày cùng súng đạn nặng vai". Từ đó, đã dấy lên phong trào quê hương trao tặng những thanh niên lên đường đánh Mỹ những "Chiếc gậy Trường Sơn", mà tuổi trẻ Ứng Hòa có thể tự hào là những người mở đầu cho phong trào này.
Cùng với phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang" là phong trào hành động cách mạng nhằm phát huy tinh thần yêu nước và sự đóng góp rất to lớn của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tươi đẹp, rực rỡ". Xuất phát từ Đan Phượng, Hà Nội, tháng 3/1965, đầu tiên phong trào có tên "Ba đảm nhiệm", sau được Bác Hồ sửa lại thành "Ba đảm đang". "Ba đảm đang" thực sự là một phong trào thi đua yêu nước được đông đảo phụ nữ Thủ đô và cả nước hưởng ứng. Các mẹ, các chị đã đảm đang nhiệm vụ sản xuất thay thế cho chồng con đi chiến đấu, phục vụ chiến đấu và rất nhiều chị em đã trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù, chứng tỏ cho giặc Mỹ biết truyền thống "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" của phụ nữ Việt Nam. Bác Hồ đã khen ngợi: "Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng". Người đặc biệt quan tâm, theo dõi, chỉ đạo và động viên phong trào, đã gửi thư khen, tặng Huy hiệu, gặp mặt những phụ nữ tiêu biểu của phong trào.
Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hàng vạn phụ nữ Thủ đô được rèn luyện trong phong trào "Ba đảm đang" đã trưởng thành nhanh chóng, lập nhiều thành tích, xứng đáng với lời khen của Bác: "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước"; 48 năm qua, phong trào "Ba đảm đang” đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam. Cùng với phong trào "Ba sẵn sàng"; "Ba đảm đang", công nhân Thủ đô đã "tay búa, tay súng" hưởng ứng phong trào thi đua "Ba điểm cao" (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều), thực hiện "Giờ làm chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc đổ mồ hôi để miền Nam đỡ tốn máu xương"... làm ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất, đời sống. Trên đồng ruộng, những người nông dân "Tay cày, tay súng" thi đua sản xuất, quyết tâm giữ lời hứa: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người..." góp phần xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh thắng quân thù.
Giới trí thức Hà Nội với phong trào "Ba quyết tâm" đã nghiên cứu và áp dụng hàng trăm công trình khoa học, kỹ thuật đóng góp quan trọng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Phụ lão Thủ đô tuổi cao, chí càng cao, hăng hái tham gia phong trào "Ba giỏi", góp phần cùng cháu con đánh thắng giặc Mỹ. Thiếu nhi Thủ đô, việc nhỏ chí lớn, thi đua làm "Nghìn việc tốt", cùng cha anh góp phần đánh Mỹ, xây dựng quê hương. Thầy trò các trường học thi đua dạy tốt, học tốt.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, quân dân Thủ đô đã hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp, ổn định đời sống nhân dân, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972, trong 12 ngày đêm, với tinh thần chiến đấu anh dũng vô song, được sự hỗ trợ, phối hợp của cả nước, quân dân Thủ đô đã lập nên một kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không", tiêu diệt 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 máy bay B52, bắt sống nhiều giặc lái, buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris. Hà Nội đã trở thành biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, cho lương tri và phẩm giá con người. Sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" quân dân Hà Nội lại bắt tay vào công cuộc xây dựng lại Thủ đô và tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam để cùng cả nước làm nên đại thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trao Bằng chứng nhận cho 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012. Ảnh: Thanh Hải
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và cả nước đi lên CNXH. Đất nước thống nhất, Quốc hội khóa VI (1976) đã quyết định chọn Hà Nội là Thủ đô của Nước CNXH Việt Nam, với vị trí là trung tâm đầu não về chính trị, về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước. Hà Nội là bộ mặt của nước CNXH Việt Nam. Vì vậy, phải xây dựng Hà Nội giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về an ninh quốc phòng, đẹp về văn hóa, cao về trí tuệ.
Thập kỷ đầu của thời kỳ thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Hà Nội bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, xã hội đã đạt được một số kết quả ban đầu khả quan. Đầu năm 1979, khi xảy ra hai cuộc chiến tranh biên giới, Hà Nội chuyển hướng công tác tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa xây dựng Thủ đô, vừa sẵn sàng chiến đấu. Hơn 4 vạn thanh niên Thủ đô, tiếp bước "Ba sẵn sàng" lên đường xây dựng phòng tuyến bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, do duy trì kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp quá lâu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo không đáp ứng kịp thời tình hình và yêu cầu của cách mạng, cộng với hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại nên tình hình kinh tế bị trì trệ, khủng hoảng trầm trọng, lưu thông phân phối trở nên rối ren, giá cả tăng vọt, đời sống của đông đảo nhân dân rất khó khăn. Các cấp, các ngành vẫn cố gắng duy trì phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là ngành nông nghiệp với "khoán 100" đã xuất hiện nhiều đơn vị tiên tiến, như huyện Đông Anh đạt năng suất 19 tấn/ha, hợp tác xã Phụng Thượng (Đan Phượng) xã Bình Minh (Thanh Oai), Bệnh viện Vân Đình (Ứng Hòa) đã được công nhận là Anh hùng Lao động...
Tất cả đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng, làm cơ sở để Thủ đô tiếp nhận và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh đầy khó khăn, nhân dân Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Với những thành tích đạt được, năm 1984, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vinh dự được nhận Huân chương Sao Vàng do Đảng và Nhà nước trao tặng. Từ năm 1986 đến nay là thời kỳ Hà Nội cùng cả nước trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu bức xúc, có tính chất sống còn đối với vận mệnh dân tộc và cách mạng nước ta, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) quyết tâm tìm cách tháo gỡ khó khăn bế tắc, thoát ra khỏi khủng hoảng, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên. Quán triệt tư tưởng đổi mới của T.Ư Đảng, Đại hội lần thứ X Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định: Phải thực sự đổi mới nhận thức, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, mọi việc lấy kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Đồng thời vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng đầu tư và hợp tác quốc tế, quán triệt quan điểm dân chủ hóa xã hội, tạo điều kiện phát huy dân chủ, khai thác tiềm năng to lớn của nhân dân Thủ đô, coi đó là động lực quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thường xuyên, liên tục, có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.
Thi đua đã thực sự trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế xã hội, đồng thời góp phần giải quyết những khâu yếu, việc khó, những bức xúc ở nhiều cấp, nhiều ngành của thành phố. Trên lĩnh vực kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng - điện tử viễn thông thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao như: Điện tử, tin học - viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và vật liệu mới.
Ngành xây dựng đạt giá trị tăng thêm bình quân hàng năm trên 10%. Dẫn đầu phong trào thi đua trong lĩnh vực này là Công ty Cơ điện Trần Phú, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất, Công ty CP Xích líp Đông Anh, Hợp tác xã Công nghiệp Song Long. Nhiều đơn vị đạt được những thành tựu to lớn, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây; Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Đan Hoài, Công ty Xi măng Sài Sơn (Quốc Oai); Bệnh viện Vân Đình (Ứng Hòa), xã Bình Minh (Thanh Oai), trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông). Thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về phát triển kinh tế ngoại thành, xây dựng nông thôn mới, nông dân Hà Nội hăng hái thi đua "Dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", xây dựng mô hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chỉnh trang đường làng ngõ xóm...
Nhiều mô hình có tính sáng tạo và mang lại hiệu quả rõ rệt như mô hình "Đàn bò vì người nghèo" của huyện Ba Vì, "Mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hóa" của huyện Gia Lâm, "Cam Canh bưởi Diễn" của huyện Từ Liêm... Ngành Thương mại - dịch vụ thi đua cải tiến lề lối làm việc, phục vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng phục vụ khách trong và ngoài nước. Trong quản lý và phát triển đô thị, phong trào "Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp","Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu"... đã góp phần chỉnh trang, giữ gìn bộ mặt đô thị Hà Nội. Cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đẩy mạnh phong trào "Vì an ninh Tổ quốc", lực lượng vũ trang lập nhiều thành tích học tập, rèn luyện, hưởng ứng phong trào "Thi đua quyết thắng". Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, đẩy mạnh. Giáo dục đào tạo, văn hóa thông tin, y tế, thể dục thể thao... đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời giảm thiểu tệ nạn xã hội.
Tuổi trẻ Thủ đô học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tiếp nối truyền thống "Ba sẵn sàng" của cha anh, đã hăng hái tham gia Đội thanh niên tình nguyện, hưởng ứng phong trào "Tình nguyện xanh", "Mùa hè tình nguyện", "Hiến máu tình nguyện", "Tuổi trẻ góp phần xây dựng nông thôn mới" tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp Đoàn, tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại nhiều di tích Bác Hồ trên địa bàn thành phố.
Nhằm thúc đẩy phong trào thi đua, thanh niên Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: Học tập tấm gương của các anh hùng liệt sĩ: Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc... những người sống mãi tuổi 20. Với phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc", các mẹ, các chị đã thắp sáng ngọn lửa truyền thống "Ba đảm đang", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", góp phần xứng đáng vào những thắng lợi chung của Thủ đô và đất nước trên con đường đổi mới. Hội Nông dân duy trì và phát triển phong trào "Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau làm giàu". Hội Cựu chiến binh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng Cựu chiến binh Thủ đô thanh lịch, văn minh".
Đặc biệt, phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được các cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hưởng ứng nhiệt thành, tham gia tích cực với nhiều hình thức sáng tạo và đạt kết quả tốt đẹp. Các hình thức tuyên truyền, cổ động bằng khẩu hiệu, panô, áp phích kết hợp việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, kể chuyện, tọa đàm, giao lưu, sinh hoạt truyền thống... gắn với việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo đã giúp cho các tầng lớp nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, có những việc làm cụ thể, thiết thực theo tấm gương đạo đức của Người, phong trào "Người tốt, việc tốt" là một minh chứng rõ nét nhất cho việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Theo đó, đầu Xuân Nhâm Thân (1992), khi về chúc Tết Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng Phạm Văn Đồng đã phát biểu: "Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta, lúc sinh thời luôn dành cho Thủ đô sự quan tâm đặc biệt. Bác luôn mong muốn Thủ đô ngày càng có nhiều gương "Người tốt, việc tốt", xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước". Đồng chí Cố vấn Phạm Văn Đồng gợi ý Hà Nội cần phát động phong trào "Người tốt, việc tốt”.
Thực hiện lời dạy của Bác và ý kiến chỉ đạo của Cố vấn Phạm Văn Đồng, đầu năm 1992, Thành ủy, HĐND, UBND TP, UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã chính thức phát động phong trào "Người tốt, việc tốt". Đây thực chất là một cuộc vận động xã hội sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Mục tiêu chính của phong trào nhằm góp phần giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đào tạo con người mới, con người XHCN, những con người vì lý tưởng cao cả của Đảng luôn cháy bỏng trong mình ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, rèn đức, luyện tài, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là những con người giàu lòng vị tha, nhân ái, biết chia sẻ những khó khăn, gian khổ, mang lại những mái ấm, tình thương, làm dịu đi nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, giúp họ có đủ nghị lực, niềm tin để vượt lên số phận.
Từ các phong trào thi đua đã làm nảy nở, xuất hiện và bồi dưỡng, rèn luyện những gương "Người tốt, việc tốt" và chính những gương "Người tốt, việc tốt" đã trở thành nòng cốt, thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Những "Thầy thuốc như mẹ hiền", những vận động viên Hà Nội đạt thành tích cao trên đấu trường cả nước, khu vực và quốc tế; nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, nhiều học sinh Hà Nội giành các huy chương vàng, bạc trong các kỳ thi Olympic thế giới, những người khuyết tật vượt lên số phận... Trong các phong trào thi đua đã được công nhận là "Người tốt, việc tốt", 20 năm qua đã có hơn hai vạn "Người tốt, việc tốt" được ghi tên vào sổ Vàng thi đua của thành phố và hàng chục vạn người được công nhận là "Người tốt, việc tốt", từ cơ sở đến quận, huyện, thị xã.
Nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô hăng hái tham gia thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước, làng văn hóa, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường. Phong trào "Xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa" phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Hà Nội đi đầu trong cả nước về vận động xây dựng và thực hiện "Quy ước cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm". Đây chính là những phong trào thi đua mang tính quần chúng rộng rãi, làm cơ sở để nảy nở và phát triển phong trào "Người tốt, việc tốt", một phong trào được đánh giá cao và đi đầu trong cả nước, được nhiều địa phương học tập. Những gương tiêu biểu nhất trong số những gương "Người tốt, việc tốt" đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố lựa chọn để các nhà văn, nhà báo giới thiệu trong những tập sách "Những Bông hoa đẹp". Đó là những gương người thật, việc thật, những người với suy nghĩ và hành động có sức thuyết phục, cảm hóa lớn, làm cho những hạt giống mà Bác Hồ năm xưa đã gieo đua nhau nở hoa kết trái, dần dần mang lại sắc thái mới mà Hà Nội rất cần" như lời khen của Cố vấn Phạm Văn Đồng.
Đến nay, 19 tập sách "Những Bông hoa đẹp" đã được xuất bản đều đặn hàng năm, nội dung ngày càng phong phú hơn, chất lượng cao hơn, trình bày đẹp hơn, được phát hành rộng rãi trong thành phố và trao đổi với các địa phương, có tác dụng vừa tuyên truyền, vừa khích lệ động viên phong trào "Người tốt, việc tốt" ở Thủ đô. Những thành tích của phong trào thi đua yêu nước ở Hà Nội trong những năm qua đã góp phần để thành phố được vinh dự nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng năm 1999 và một năm sau, Hà Nội lại được Đảng và Nhà nước tặng Danh hiệu "Thủ đô Anh hùng".
Năm 2004, đánh dấu một chặng đường hơn 20 năm phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trên con đường đổi mới với những thành tựu xuất sắc đã đạt được, Đảng và Nhà nước lại trao tặng cho nhân dân Thủ đô Huân chương cao quý: Huân chương Sao Vàng lần thứ hai. Hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2008, cách thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đúng 1000 ngày, Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội đã phát động phong trào thi đua với một kế hoạch, chương trình và những mục tiêu cụ thể, khơi dậy lòng tự hào về tình yêu Hà Nội của mỗi công dân Thủ đô. Phong trào đã được chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, biểu dương khen thưởng kịp thời vào các mốc cách 700 ngày, 500 ngày, 300 ngày, 100 ngày và tổng kết vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010). 109 công trình ở Hà Nội và một số tỉnh, thành liên quan trong cả nước đã vinh dự được gắn biển "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" bao gồm những công trình xây dựng, những đại lộ, nhà thi đấu thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí, công viên, rạp hát, khu dân cư cao tầng, những nhà bảo tàng, tượng đài... hàng trăm công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực lịch sử, khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghê... Đặc biệt, ngày 1/8/2010, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức được Ủy ban Di sản thế giới công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Ngoài ra, cũng cần kể đến những công trình do các tỉnh, thành bạn xây dựng tại Hà Nội với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội". Với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của T.Ư Đảng và Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban ngành T.Ư và sự hỗ trợ của đồng bào cả nước, chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc, xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa trọng đại của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với những thành tựu to lớn đó, lần thứ ba, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội lại được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng.
Từ năm 2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP có thêm một danh hiệu mới "Công dân Thủ đô ưu tú" để phong tặng cho những tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, những con người đầy tâm huyết và tài năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Ba năm qua, đã có 31 cá nhân được vinh dự nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú”.65 năm qua, đất nước và Thủ đô đã có nhiều thay đổi quan trọng. Sau những năm dài sống trong lòng địch, Hà Nội được giải phóng, khôi phục kinh tế, bước vào những năm oanh liệt chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đất nước thống nhất, Thủ đô bước sang giai đoạn mới. Công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước đã thu được nhiều kết quả to lớn. Cùng với phong trào cách mạng, công tác thi đua yêu nước của Thủ đô khi êm đềm lặng lẽ, khi bùng lên sôi sục. Nhưng xuyên suốt mạch chảy trong hai phần ba thế kỷ này là tinh thần yêu nước nồng nàn của những thế hệ người Hà Nội. Mồ hôi và cả xương máu của những người con ưu tú trên mảnh đất ngàn năm văn hiến và anh hùng đã đổ vì sự hưng vong của Tổ quốc và Thủ đô, để đến hôm nay họ có thể tự hào xứng đáng là những công dân Hà Nội đã thực hiện xuất sắc "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác Hồ kính yêu. Chính sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi của mỗi người dân Hà Nội. Đảng bộ Hà Nội, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ cơ sở đến thành phố đã đóng góp vào thành tích thi đua yêu nước qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và biểu dương khen thưởng kịp thời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đông đảo nhân dân Thủ đô đã cùng lực lượng vũ trang cách mạng tạo thành một làn sóng to lớn, mạnh mẽ, nhấn chìm mọi kẻ thù, chung tay, góp sức xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội.
Từ năm 2008, Hà Nội đã tiếp nhận nguồn nhân lực dồi dào và vùng văn hóa xứ Đoài của mảnh đất trăm nghề Hà Tây, sẽ là một nguồn lực lớn để Thủ đô vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Những người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và theo dõi công tác thi đua, khen thưởng là hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng từ thành phố đến cơ sở. Tuy có nhiều thay đổi, qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn được duy trì và ngày càng được bổ sung, kiện toàn để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Nhìn lại chặng đường hai phần ba thế kỷ hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô có thể tự hào vì chính Hà Nội là nơi khởi phát nhiều phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu, quan trọng trong cả nước, nơi nuôi dưỡng, duy trì và đưa phong trào phát triển đến đỉnh cao, đạt được những thành tựu vững chắc về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Những vinh dự to lớn, những phần thưởng cao quý: Thành phố vì Hòa bình, Thủ đô Anh hùng, ba lần được nhận Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý là tài sản vô giá, là hành trang của Thủ đô và mỗi người dân Hà Nội để sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng bào cả nước vươn tới những đỉnh cao mới.
Ngày 9/6, hơn 1.300 cán bộ, chiến sĩ và lãnh đạo công an TP, các quận, huyện, phòng nghiệp vụ, cùng những gương mặt ưu tú của Công an Thủ đô đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình dự Lễ báo công dâng Bác. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Công an Thủ đô, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 23 đơn vị, 12 cá nhân và hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương và nhiều phần thưởng cao quý khác. Công an Thủ đô nhiều năm được Chính phủ tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc". Đồng thời được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực g an TP Hà Nội. Ghi nhận những đóng góp của lực lượng Cônlượng vũ trang nhân dân.
Vũ Dũng
|