Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cận cảnh hai tuyến quốc lộ sắp được mở rộng

Hữu Chánh/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Quốc lộ 21A và quốc lộ 21B với tổng chiều dài khoảng 35 km sắp được chi hơn 21.000 tỷ đồng mở rộng giúp giảm ùn tắc, tăng...

Trước thông tin Hà Nội đang nghiên cứu mở rộng Quốc lộ 21A đoạn Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai, không ít người dân bày tỏ sự phấn khởi, mong chờ dự án sớm được thông qua chủ trương đầu tư, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng.

Ông Trần Hữu Thắng (57 tuổi, xã Thạch Hòa, Thạch Thất) cho biết, Quốc lộ 21A chạy dọc theo các khu dân cư đông đúc và là tuyến huyết mạch nối Vĩnh Phúc - Hà Nội với Hoà Bình nên lưu lượng xe tải, container rất đông.

Trong khi đó, mặt cắt ngang hiện tại của tuyến quốc lộ này chỉ 7-8m với 2 làn xe. Do đó, chỉ cần một thoáng mất tập trung, nguy cơ cao dẫn đến tại nạn.

Do đó, ông Thắng cho rằng, việc mở rộng tuyến Quốc lộ 21A là vô cùng cấp bách và cần thiết.

"Sau khi được mở rộng, việc đi lại, giao thương sẽ rất thuận lợi, cuộc sống của người dân dọc hai bên tuyến cũng có nhiều sự thay đổi" - ông Thắng nói.

Quốc lộ 21A đoạn qua xã Thạch Hoà (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Hữu Chánh
Quốc lộ 21A đoạn qua xã Thạch Hoà (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Hữu Chánh

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21A đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai có tổng mức đầu tư (dự kiến) là 18.722 tỷ đồng.

Toàn tuyến dài 25,75km, đi qua địa phận thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Điểm đầu tại cầu Quan (Sơn Tây); điểm cuối tại Km25+745 nối về quốc lộ 21A (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ).

Tuyến chính theo cấp đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80 km/h; đường song hành (đường gom) theo cấp đường chính khu vực, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Đoạn từ cầu Quan đến ranh giới hành chính Hà Nội - Hòa Bình rộng 80m; đoạn qua tỉnh Hòa Bình và thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) rộng 70m.

Phân kỳ đầu tư phần xe chạy chính lõi giữa rộng 10m mỗi bên, đường gom và vỉa hè hai bên được xây dựng hoàn chỉnh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao liên thông cuối tuyến với Quốc lộ 6.

Quốc lộ 21A đoạn qua huyện Thạch Thất chỉ rộng 7-8m với 2 làn xe. Ảnh: Hữu Chánh
Quốc lộ 21A đoạn qua huyện Thạch Thất chỉ rộng 7-8m với 2 làn xe. Ảnh: Hữu Chánh

Bên cạnh Quốc lộ 21A, tuyến Quốc lộ 21B đoạn từ Tỉnh lộ 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hoà cũng đang được Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu mở rộng, với mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam thành phố, tuy nhiên sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp và quá tải khi lưu lượng phương tiện ngày một đông.

Ghi nhận của Lao Động ngày 25.5 cho thấy, đoạn tuyến qua huyện Ứng Hòa có mặt cắt ngang nhỏ hẹp, nhiều đoạn quanh co, khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Xe tải, container rầm rập chạy là cảnh tượng thường xuyên diễn ra trên Quốc lộ 21B đoạn qua huyện Ứng Hòa. Ảnh: Hữu Chánh
Xe tải, container rầm rập chạy là cảnh tượng thường xuyên diễn ra trên Quốc lộ 21B đoạn qua huyện Ứng Hòa. Ảnh: Hữu Chánh

"Việc xe tải ép xe máy vào lề đã trở thành chuyện "như cơm bữa" ở đây. Nhất là về đêm, các đoàn xe ben, container... chạy như đua, bóp còi hơi inh ỏi khiến người đi đường hãi hùng" - anh Nguyễn Văn Ngọc (33 tuổi, xã Hòa Nam, Ứng Hòa) nói.

Vì vậy, khi hay tin Quốc lộ 21B sắp được đầu tư mở rộng, anh Ngọc và nhiều người dân dọc hai bên tuyến rất phấn khởi và mong dự án sớm được triển khai.

Theo phương án đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường được mở rộng có chiều dài khoảng 10km, điểm đầu tại Km31+550 (nút giao đường tỉnh 424), điểm cuối tại Km41+550 (hết địa phận huyện Ứng Hòa).

Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản đạt cấp II đồng bằng, đoạn qua khu dân cư thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị; quy mô mặt cắt ngang 35m với 6 làn xe.

Quốc lộ 21B nhiều đoạn quanh co, khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Hữu Chánh
Quốc lộ 21B nhiều đoạn quanh co, khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Hữu Chánh

Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Các đoạn tuyến do phải bám sát đường hiện trạng, tránh giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn, tránh cắt công trình tôn giáo tín ngưỡng, đề xuất tốc độ thiết kế 50-60 km/h.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa để chuẩn xác số liệu giải phóng mặt bằng làm cơ sở tính toán chi phí giải phóng mặt bằng dự án.