Hà Nội: Cần chính sách cụ thể cho việc phát triển các đô thị vệ tinh

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/9, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở QH - KT phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội  tổ chức hội thảo “Phát triển đô thị và nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan Thủ đô Hà Nội”.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, 20 năm ngày thành lập Sở QH - KT và hướng tới Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội khóa V nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, tới đây Hà Nội sẽ triển khai đồng thời nhiều quy hoạch lớn như: Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tâm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Đây là những quy hoạch, chương trình mang tính bản lề, quyết định cho định hướng chung về phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời kỳ mới. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến tham góp của các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề mà công tác quy hoạch cần phải giải quyết trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, đại diện sở ngành, các nhà khoa học, chuyên gia phần lớn đề cập đến định hướng phát triển đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Theo đó, các ý kiến ý kiến đều khẳng định đây là định hướng đúng và hoàn toàn phù hợp với Hà Nội.

Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH – KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn cho rằng, từ lý thuyết đến thực tiễn trên thế giới, tại Việt Nam và TP Hà Nội, các quy hoạch vùng và mô hình chùm đô thị đã chứng minh được bài toán về phân bố dân cư hài hòa, giảm áp lực cho nội thành, giải quyết được nhiều vấn đề đô thị bức xúc tại khu vực đô thị trung tâm như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường,… và có giá trị để mang lại sức khỏe cho cộng đồng, năng suất tối đa cho các hoạt động kinh tế và mang lại cân bằng cho các hoạt động xã hội.

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 xác định phát triển Thủ đô theo mô hình chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh là: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 xác định phát triển Thủ đô theo mô hình chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh là: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn.

Tuy nhiên trên thực tế, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đô thị vệ tinh không có sự chuyển biến rõ rệt, hầu như chưa hình thành, phát triển thành những đô thị mới đáng sống.

Do đó, các nhà khoa học, chuyên gia đã đề xuất trong quá trình triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển các quy hoạch đô thị vệ tinh cần được nghiên cứu xem xét để phù hợp với tình hình phát triển thực tế cũng như các định hướng lớn của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô.

Về lâu dài, cần có các chính sách cụ thể tạo lập chính quyền đô thị tại các đô thị vệ tinh để các đô thị vệ tinh thực sự có cơ hội phát triển và hình thành.

Ngoài ra, thông qua các tham luận, ý kiến đóng góp tại hội thảo, Ban tổ chức đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng về quá trình phát triển đô thị Hà Nội từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới như: phát huy vai trò, trí tuệ của cộng đồng, đóng góp cho công tác quy hoạch; các vấn đề cần giải quyết khi triển khai lập quy hoạch Thủ đô; những vấn đề đặt ra cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị trong thời kỳ mới như nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần