Hà Nội: Cần lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào các quy hoạch đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là giải pháp chiến lược nhằm phát triển bền vững được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm đang được Hà Nội tập trung triển khai.

Phát triển đô thị theo các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, cải thiện môi trường hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững. TP đã thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc tại các khu vực ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm; công khai kết quả quan trắc trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, một xe quan trắc lưu động, một trạm quan trắc nước thải, không khí tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; 6 trạm quan trắc mặt nước tự động, truyền số liệu thông tin về trung tâm quản lý để theo dõi, xử lý...

Công tác ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn.

Về phát triển các không gian xanh, không gian công cộng ngoài trời phục vụ nhu cầu của cư dân đô thị đã được chú trọng. Theo thống kê, tổng số lượng không gian công cộng đã thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 là 382 hạng mục.

Bên cạnh những dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách, nhiều không gian công cộng theo dạng tích hợp công viên, vườn hoa, quảng trường và hồ nước được đầu tư xây dựng trong các khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn TP.

Hà Nội đang tập trung phát triển đô thị theo các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh.
Hà Nội đang tập trung phát triển đô thị theo các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh.

TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp hệ thống vườn hoa, công viên trong khu vực đô thị trung tâm, tạo nên những không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của Thủ đô.

Các công viên lớn hiện có như: công viên Thủ Lệ, Bách Thảo (quận Ba Đình), Thống Nhất, Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) có diện tích từ 10-50ha, cùng với các khu vực mặt nước tự nhiên gắn với không gian mở, vườn hoa đã góp phần tạo cảnh quan và cải tạo vi khí hậu cho khu vực. Trong đó, các công viên như: Thủ Lệ, Thống Nhất, Tuổi Trẻ đã có quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất, đáp nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi đang tăng nhanh.

Đến nay, đã có 5 dự án cấp nước được hoàn thành nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn hiện nay đạt khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm.

Nhu cầu sử dụng nước đã được đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước hiện nay trung bình khoảng 1,2 triệu - 1,3 triệu m3/ngày đêm. Với 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch, chỉ số này cho thấy hằng năm toàn bộ dân cư của Hà Nội đã được tiếp cận nguồn nước sạch được cung cấp từ nhà máy nước.

Với chỉ tiêu diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị, tính đến hết năm 2020, diện tích cây xanh/người đạt 7,87 m2/người (tăng 0,69 m2/người so với năm 2015). Tỷ lệ thu gom rác bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tại khu vực đô thị đạt trên 97,6%, xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt rác.

Lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn TP Hà Nội đến thời điểm hiện tại đáp ứng được 28,8% tổng lưu lượng phát sinh. Hiện nay, gần 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn được quản lý tốt trong khâu xả thải, đều đã có bể chứa, bể gom và máy lọc trước khi xả ra môi trường…

Còn nhiều hạn chế, tồn tại

Dù các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh đang được cải thiện nhưng theo Sở Xây dựng Hà Nội, còn nhiều hạn chế tồn tại trong các chỉ tiêu tăng trưởng. Cụ thể, quỹ đất dành cho tăng tỷ lệ diện tích cây xanh còn hạn hẹp.

Các công viên, vườn hoa được quản lý hiện là những công trình đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ phát triển và tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành (4 quận nội thành cũ), với kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật ở mức khá và trung bình.

Các công viên, vườn hoa chủ yếu tập trung nhiều ở các quận nội thành nhưng phân bố không đồng đều. Hiện TP đang rất thiếu những không gian xanh, sân chơi tại các khu dân cư tập trung đông như: Khâm Thiên, Văn Chương ở Đống Đa, khu vực Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… Đáng chú ý, việc tìm quỹ đất trống để xây dựng các công viên, vườn hoa tại những khu vực này rất khó khăn.

Một đặc điểm nữa là Hà Nội có nhiều hồ, đặc biệt có hồ rất lớn như hồ Tây. Các hồ thường xuyên phải tiếp nhận lượng nước thải lớn chưa qua xử lý làm cho hồ bị nông dần theo thời gian, với lớp bùn dày 0,5 - 1m. Đa số các hồ không có đường bao quanh để quản lý, vì thế, khó kiểm soát được việc lấn chiếm lòng hồ và việc vứt rác trái phép xuống hồ.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, từ năm 2015 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Hà Nội giảm 11,11ha và đến năm 2020 con số giảm là 192,52 ha. Như vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,63ha.

Nhìn chung, diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa khá nhanh ở Hà Nội, nhiều ao hồ đã được san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, chưa kể đến tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác…

TP còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Nguồn lực tài chính cho đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng cấp nước sạch còn hạn chế; trang thiết bị hệ thống cấp nước sạch chưa được đầu tư công nghệ hiện đại…

Với hệ thống xử lý rác thải, hoạt động phân loại rác tại nguồn của thành phố vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Khối lượng thu gom, tái chế trên địa bàn thành phố là hoàn toàn tự phát. Tiến độ xây dựng của các nhà máy điện rác và các khu xử lý chất thải trên địa bàn TP còn chậm. Gặp khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư, thiếu quy định đối với hợp đồng xử lý chất thải với nhà đầu tư…

Huy động, bố trí các nguồn lực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đã đề xuất TP ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Trong đó, đầu tiên là cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình phát triển đô thị có lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Cùng đó, TP cần lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị.

Đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp. Xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng, xanh hóa cảnh quan đô thị. Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế, thi công công trình.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; Kiểm tra đánh giá việc thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, kết nối mạng lưới, đối thoại chính sách về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế hỗ trợ để thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Kinh phí thực hiện được huy động từ các nguồn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp, vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần