Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cần tăng mức xử phạt đối với vi phạm an toàn lao động

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi làm trưởng đoàn, làm việc với TP Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Dự buổi làm việc có: Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội  TP Hà Nội Bùi Huyền Mai.
Tai nạn lao động có xu hướng tăng
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết: Hằng năm, TP đã triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ; Tháng an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, đã tổ chức 209 Hội nghị tập huấn; lắp đặt hơn 5.700 pano tuyên truyền, phát 4.000 cuốn Luật ATVSLĐ cùng nhiều tài liệu khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ…
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, theo đánh giá của Lãnh đạo Sở LĐTBXH, tình hình TNLĐ giai đoạn 2016 – 2018 có chiều hướng tăng do quy mô lao động tăng. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2018, trên địa bàn TP xảy ra 694 vụ tai nạn lao động, trong đó có 190 vụ tai nạn lao động làm chết 195 người. So với giai đoạn 2013 – 2015 số vụ tai nạn lao động xảy ra tăng 74,3%, số vụ TNLĐ chết người tăng 200%, số người chết tăng 77%.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết thêm, mặc dù TP Hà Nội đã triển khai tích cực về Luật ATVSLĐ nhưng nhận thức chấp hành Luật của chủ lao động vẫn còn hạn chế. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.
TNLĐ lại có xu hướng tăng, trong đó số nạn nhân thuộc nhóm không có có hợp đồng lao động lại chiếm tỷ lệ cao; số đơn vị DN tổ chức sức khỏe định kỳ cho người lao động thấp, số người có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp tăng… đây là những vấn đề đáng báo động cần quan tâm trong thời gian tới.
Đặt trong bối cảnh Hà Nội có quy mô dân số lớn, lao động từ khắp nơi đổ về cũng là thách thức lớn trong quản lý ATVSLĐ. Bên cạnh đó, người lao động và chủ sử dụng lao động đều chưa quan tâm đúng mức về ATVSLĐ, nhất là ở các DN ở quy mô nhỏ lẻ. Cùng với đó, chưa tạo sự chuyển mới trong tuyên truyền, thanh tra kiểm tra. Về vấn đề này, tới đây, TP sẽ tập trung triển khai tăng cường tuyên truyền và có quy chế phối hợp giữa các ngành trong công tác thanh tra kiểm tra, đồng thời tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Nhất trí với những ý kiến đề xuất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định về công tác ATVSLĐ, TP Hà Nội đã làm bài bản. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần phải thường xuyên đo kiểm môi trường, khám sức khỏe để phát hiện bệnh nghề nghiệp, có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ trong điều kiện môi trường lao động có nguy cơ tai nạn cao. Đặc biệt, công tác tập huấn về ATVSLĐ cần tập trung cho khu vực không có quan hệ lao động. Chủ sử dụng lao động cần tổ chức tập huấn, cấp phát dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động…
Tập trung phát triển y tế cơ sở
Về công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thực hiện cơ chế tự chủ trong 10 năm qua, ngành Y tế có bước chuyển tích cực như: Chuyển từ “ngân sách nhà nước bao cấp hoàn toàn” cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công sang “xã hội hóa”; chuyển từ “viện phí” sang “giá dịch vụ”, khắc phục tình trạng “bao cấp tràn lan”…

 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc .
 
Hiện nay, ngành Y tế Hà Nội có 79 đơn vị trực thuộc, trong đó, 3 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130 của Chính phủ, Thông tư 71 của Liên Bộ Tài chính – Y tế; 60 đơn vị đã được giao quyền tự chủ tài chính năm 2018, các đơn vị còn lại được giao tự bảo đảm một phần chi họat động thường xuyên. Hầu hết các đơn vị đã tổ chức sắp xếp nhân sự, vị trí việc làm trong đơn vị, bố trí công việc khoa học.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội tập trung thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, theo hướng để Nhân dân vào cuộc. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt ở các bệnh viện công lập, trong đó nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa. Cùng với đó, tập trung vào y tế cơ sở; bổ sung lực lượng bác sĩ vào các trạm y tế; quan tâm công tác bảo hiểm y tế ở cơ sở; quản lý dược tư nhân; xã hội hóa tập trung vào tự chủ cho các đơn vị.
Về việc thực hiện Nghị quyết 18, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị TP cần nghiên cứu kỹ về việc sắp xếp các đơn vị y tế. Cùng với đó, tập trung xây dựng phát triển y tế cơ sở, trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, coi đây là “tế bào” phát triển y tế. Đồng thời, quan tâm cải cách tài chính y tế; công tác xã hội hóa phải đảm bảo quyền lợi của các bên, kiểm soát năng lực chuyên môn y tế, đặc biệt là các phòng khám có yếu tố nước ngoài…