Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ, sinh năm 1950, quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến nhiều qua vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VABIS với hơn 15 công ty có trụ sở đặt tại Việt Nam, Lào, Australia. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Hơn 50 năm lăn lộn thương trường, ông đã để nhiều dấu ấn, thành công trong các dự án đầu tư và luôn thể hiện nổi bật vai trò xúc tiến, kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư của Australia, các doanh nhân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Thành công tại Australia và Việt Nam
Năm 1981, ông thành lập Công ty Nguyen’s Brother trên đất khách quê người Australia. Chỉ sau thời gian ngắn, ông đã nhanh chóng hội nhập và thành công với xã hội Australia trong lĩnh vực xây dựng. Liên tiếp các năm sau (1983, 1992, 1993, 1998, 2000, 2001), ông đã thành lập thêm nhiều công ty hoạt động đa lĩnh vực: Xây dựng, thể thao, du lịch, bất động sản, đào tạo…
Thành công ở nước ngoài, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Mỹ đã nhanh chóng hướng về đất nước, đầu tư các lĩnh vực: Giải trí, giáo dục, xây dựng… tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Lâm Đồng với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.
Năm 1998, ông được Chính phủ và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho thực hiện thí điểm Dịch vụ thể thao thi đấu giải trí có bán vé dự thưởng tại Vũng Tàu, để thu hút khách du lịch quốc tế vào đêm. 240 chú chó Greyhound, giá bình quân 3.000 USD/con đầu tiên đã được nhập về Việt Nam, sau này được Liên đoàn Đua chó thế giới (WGRF) công nhận là Trung tâm huấn luyện và phối giống chó đua Greyhound tốt nhất thế giới.
Ông là một phần nhân chứng không thể thiếu của Trường đua ngựa Phú Thọ (1932) từng được coi lớn nhất nhì châu Á. Sau ngày giải phóng, trường đua dừng hoạt động 14 năm rồi được phục hồi (năm 1989) dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ. Đến tháng 6/2011, trường đua này bị đóng cửa để xây dựng trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao, ông chuyển hướng lập trường đua tại Madagui (Lâm Đồng).
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác xã hội và kết nối đầu tư. Trong đó, năm 2001, ông tham gia thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Kiều (OVBC) tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2016, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Australia. Cuối năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được giao kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Văn phòng Đại diện của Hiệp hội tại TP Hồ Chí Minh.
Ngoài việc để lại nhiều dấu ấn, thành công trong các dự án đầu tư của mình, ông đã thể hiện vai trò nổi bật hoạt động xúc tiến, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư của Australia. Trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông đã trực tiếp hỗ trợ thành viên các lĩnh vực: Pháp luật, xuất nhập khẩu, đầu tư FDI, đầu tư ra nước ngoài, du lịch, giải trí…
Khi về Việt Nam đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Mỹ thành công ở nhiều lĩnh vực, đóng góp nhiều hoạt động xã hội trong 2 năm dịch Covid-19. Hơn 20 năm sau ngày thành lập, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thể thao Thi đấu giải trí (SES) do ông đứng đầu hiện mỗi tháng tư vấn kèo cho 27.000 các trận đấu thể thao bóng đá, bóng rổ, tennis... trên khắp thế giới.
Ông thích khá nhiều môn thể thao nhưng đua ngựa, đua chó và golf chính là những đam mê cả đời người đàn ông xứ Nghệ 72 tuổi này. Ông là golfer khá nổi tiếng, thường xuyên có mặt tại các sân sân golf trong nước lẫn nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông cho rằng, người Việt Nam rất đam mê môn đua ngựa và từng có thành tích đáng kể trong quá khứ. Việt Nam có thể gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa quốc tế (FEI) và Liên đoàn Cưỡi ngựa châu Á (AEF), tham gia thi đấu tại SEA Games và ASIAD. Nếu được phép, ông có thể bỏ tiền đưa vận động viên ra nước ngoài tập luyện, nhập ngựa về để tham gia các giải thể thao khu vực, thậm chí tham gia Olympic.
Trong tay ông hiện đã có trường đua ngựa, trung tâm huấn luyện ngựa, khu trang trại nuôi và nhân giống ngựa thuần chủng, khu cách ly thú y, phần mềm quản lý theo dõi hộ tịch ngựa thuần chủng, sân thi đấu polo, sân trình diễn ngựa nghệ thuật và nhảy vượt rào, đường chạy băng đồng đạt chuẩn thi đấu quốc tế.
Bộ môn thi đấu Cưỡi ngựa đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của Thế vận hội Olympic kể từ năm 1912. Với ASIAD, thi đấu Cưỡi ngựa được đưa vào hệ thống thi đấu từ năm 1982. Còn tại Đông Nam Á, bộ môn này lần đầu đưa vào thi đấu tại SEA Game 1983. Hiện Liên đoàn Cưỡi ngựa Châu Á (Asian Equestrian Federation - AEF) có 35 quốc gia thành viên. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có 8/11 nước (trừ Việt Nam, Lào, Đông Timo) tham gia.
Vai trò cầu nối
Nói về phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội sau đại dịch Covid-19, ông chia sẻ: “Mục tiêu năm 2022, Hà Nội đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng, chỉ mất 7 tháng Hà Nội đã hoàn thành. Nhưng để bứt phá, tăng tốc trong thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch golf”.
Được biết Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do ông làm Phó Chủ tịch được thành lập từ năm 2003, dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiệp hội có tôn chỉ và mục đích liên kết, hợp tác không lợi nhuận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, góp phần hỗ trợ xúc tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Hà Nội đang là đích đến của khá nhiều đầu tư nước ngoài và nhiều doanh nghiệp Thủ đô đang hướng tới thị trường Australia.