Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết: Nguy cơ thêm nhiều bệnh nhân nặng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua (từ 11 đến 18/11), Hà Nội ghi nhận 1.378 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước), trong đó 2 ca tử vong. Dự báo, số mắc SXH có thể tăng thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Thêm 31 ổ dịch mới

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số quận, huyện có số ca mắc cao như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc SXH (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là  DENV1 và DENV2, DENV4.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Trong đó, nhiều nhất là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch. Các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch. Còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch.

Phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, TP đã ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện, còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện, trong đó, một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (257 bệnh nhân); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (58 bệnh nhân); tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (57 bệnh nhân); thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (28 bệnh nhân).

Trong khi số ca mắc mới SXH đang gia tăng, kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng.

Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH tại ổ dịch tổ dân phố Tràng An, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có BI=65; thôn Mộc Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (BI=40); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (BI=40).

Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.

Thả cá diệt bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Thả cá diệt bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo dự báo, số mắc SXH có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống SXH; đặc biệt, tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó, triển khai những hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Nhiều bệnh nhân nặng, có ca “tiểu cầu bằng 0”

Theo ghi nhận tại một số bệnh viện (BV), trong tuần qua, số lượng bệnh nhân đến khám do SXH vắng hơn nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn không giảm.

Một ca bệnh sốt xuất huyết nặng, có biến chứng đang được điều trị tại BV Đa khoa Đống Đa.
Một ca bệnh sốt xuất huyết nặng, có biến chứng đang được điều trị tại BV Đa khoa Đống Đa.

Tại BV Đa khoa Đống Đa, bác sĩ Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm của BV thông tin, 1 tháng nay, số bệnh nhân nhập viện do SXH đã quá tải. Nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng nặng, còn có ca “tiểu cầu bằng 0”.

"Để tránh trường hợp biến chứng nặng do SXH, bệnh nhân không nên điều trị tại nhà, nhất là giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 trở đi. Đặc biệt, người mắc SXH không tự ý dùng thuốc ở nhà. Nếu có sốt cao bên cạnh việc uống hạ sốt còn cần phải tích cực bù orezol, chườm mát. Với 3 ngày đầu tiên của bệnh nhân mắc SXH thường chưa có biểu hiện nặng nhưng bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi thì nên đến BV khám. Hoặc người mắc SXH khi thấy một số dấu hiệu cảnh báo như: Mệt, nôn nhiều, đau tức bụng, đi ngoài nhiều nên đến viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt với những người có bệnh lý nền, trẻ béo phì mắc SXH cần phải lưu ý" - BS Minh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) cho rằng, để biết được chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu hay không cần làm xét nghiệm công thức máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 - 20 G/L.

“Với bệnh nhân SXH, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện ngay. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như: chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cũng cần đi khám ngay. Hiện nay, đã có hướng dẫn của Bộ Y tế về truyền khối tiểu cầu trong trường hợp bệnh nhân hạ tiểu cầu xuống dưới 20 G/L hoặc dưới 10 G/L kèm theo xuất huyết. Việc truyền tiểu cầu phải căn cứ theo chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo mong muốn của cá nhân người bệnh - thấy tiểu cầu hạ là lo lắng muốn truyền ngay” - PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bạch Mai.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bạch Mai.

Nguy cơ cao với người béo phì

Tại BV Đa khoa Đức Giang, từ tháng 10/2022 đến nay, số lượng bệnh nhân SXH nhập viện điều trị nội trú mỗi ngày luôn dao động từ 120 người đến 150 người, trong đó, ca bệnh nặng chiếm khoảng 40%. Trong số những ca bệnh nặng, bác sĩ vừa cứu chữa thành công một trường hợp thừa cân, béo phì.

Theo TS Trần Thị Oanh - Phó Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang, ở những người béo phì mắc SXH dễ dẫn đến biến chứng nặng. Người béo phì thuộc nhóm miễn dịch kém hơn và thường đi kèm các bệnh nền khác như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... dễ dẫn đến bội nhiễm, bệnh tiến triển nặng hơn nên thời gian điều trị sẽ lâu và phức tạp hơn so với người bình thường.

Còn tại BV Nhi Trung ương đang điều trị cho 24 bệnh nhi mắc SXH, đều là những trường hợp nặng hoặc cảnh báo nặng với các biểu hiện như: Nôn, buồn nôn, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Đáng chú ý, khác với mọi năm, năm nay trẻ thừa cân, béo phì mắc SXH tăng hơn. Nếu mọi năm chỉ có 1 hoặc 2 trẻ béo phì nhập viện thì năm nay, trung tâm đã tiếp nhận điều trị gần chục trẻ. Béo phì là yếu tố tiên lượng nặng khi mắc SXH.

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ sốc do SXH ở trẻ có cân nặng bình thường khoảng 4,6%, ở trẻ béo phì lên đến gần 15%. Nguyên nhân là trẻ béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như: Rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch... Chính vì vậy, tất cả trường hợp trẻ béo phì bị SXH phải được nhập viện theo dõi. Bởi, nếu bị sốc do sốt SXH, việc điều trị rất khó khăn, trẻ dễ tử vong.

Với trường hợp thừa cân, béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như: Suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận. Bên cạnh đó, người béo phì khó có thể lấy ven, các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác khó thực hiện hơn. Nhưng khó khăn nhất trong điều trị cho nhóm này là điều chỉnh lượng dịch truyền phù hợp với thể trạng.

Bác sĩ Đặng Khánh Ly - Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Đống Đa thăm khám bệnh SXH ở trẻ em.
Bác sĩ Đặng Khánh Ly - Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Đống Đa thăm khám bệnh SXH ở trẻ em.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc SXH do các đặc thù về sinh hoạt và thể trạng dễ bị muỗi tấn công. Đồng thời, với sức đề kháng kém trẻ dễ bị các biến chứng nặng do bệnh gây nên. Do đó, bác sĩ Đặng Khánh Ly - Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Đống Đa cảnh báo, cha mẹ lưu ý xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh SXH ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm. Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: Giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Nếu không phát hiện xử trí kịp thời trẻ dễ đi vào sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

“Quan trọng nhất trong điều trị SXH ở trẻ là kiểm soát nhiệt độ, không để trẻ nhỏ sốt quá cao dẫn đến co giật, trẻ lớn sốt cao thường mê sảng. Bù đủ dịch qua đường uống nếu trẻ tỉnh táo uống được, đường truyền nếu trẻ mệt không uống được. Đồng thời, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh nếu có” - bác sĩ Đặng Khánh Ly khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng, chống, người dân cần áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường tập luyện để kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, khi mắc bệnh, người dân không nên tự ý điều trị, tự ý truyền dịch tại nhà, cần đến BV để được khám và điều trị kịp thời.