Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cắt tỉa cây xanh để hạn chế gãy, đổ trong mùa mưa bão

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường cắt tỉa, hạ độ cao, thăm khám để phát hiện cây sâu bệnh, cây nguy hiểm từ đó thay thế, xử lý kịp thời… Đó là những biện pháp mà Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã và đang thực hiện nhằm hạn chế tối đa sự cố liên quan đến cây xanh trong mùa mưa bão.

Đến hẹn lại lo
Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến cây xanh, đặc biệt trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên địa bàn TP. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây như xà cừ, muồng, phượng… cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục… để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.
Do ảnh hưởng của cơn mưa dông nhiệt diễn ra tối 22/6, hơn 260 cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội đã bị gãy, đổ.
Thế nhưng, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhưng cứ trải qua mỗi cơn bão, mưa dông… tình trạng cây xanh bị đổ, gãy vẫn xuất hiện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của Nhân dân. Đơn cử, trong cơn mưa dông nhiệt diễn ra vào tối 22/6 vừa qua trên địa bàn TP, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội đã có hơn 260 cây xanh bị đổ, gãy cành, gãy ngang thân… tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành.
Cụ thể, khu vực có lượng cây xanh gãy, đổ nhiều nhất là dải phân cách sát sông Tô Lịch đường Láng (quận Cầu Giấy) với 43 cây bị gãy đổ; phố Võ Chí Công (quận Tây Hồ) 25 cây; phố Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm) 10 cây; phố Kim Ngưu (quận Hoàng Mai) 7 cây; phố Yên Lãng (quận Đống Đa) 6 cây; phố Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình) 6 cây… Trong đó, các loại cây bị gãy đổ nhiều nhất là chiêu liêu, muồng, phượng, osaka, bằng lăng, sấu, ban, đại…
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong trận mưa dông nhiệt này, mặc dù các sự cố liên quan đến cây xanh không gây ra thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân… Song, những sự cố diễn ra liên tục, tại nhiều khu vực, với nhiều loại cây khác nhau đã khiến không ít người phải hoang mang, lo lắng…
Ông Nguyễn Văn Quang (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, mặc dù trước mùa mưa bão, lực lượng chức năng đã tổ chức cắt tỉa, hạ độ cao của cây nhằm hạn chế những sự cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa, xây dựng cầu đường, cải tạo vỉa hè… không ít cây xanh hệ thống rễ đã bị chặt đứt, không ăn sâu vào lòng đất nên trước ảnh hưởng của mưa bão, cây xanh có thể bị đổ, gãy bất cứ lúc nào.
Tăng cường rà soát xử lý cây xanh nguy hiểm
Được biết, nhằm ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lốc tố làm gãy, đổ hệ thống cây xanh, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị nắm vững thông tin kịp thời, chính xác số lượng, chủng loại vị trí, tình trạng cây đổ, đường kính cây; thông tin được phản ánh từ hệ thống các đội quản lý duy trì công viên, vườn hoa thuộc địa bàn của đơn vị mình được giao quản lý, kết hợp với các nguồn tin được chuyển đến như: UBND phường, xã, thị trấn, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, Nhân dân các nơi phản ánh về.
 Lực lượng chức năng thu dọn cây gãy, đổ trong sáng 23/6.
Sau khi nhận được thông tin, cán bộ trực của Ban duy tu các công trình đô thị Sở Xây dựng và những Công ty được giao nhiệm vụ quản lý duy tu, duy trì cây xanh cần ghi chép đầy đủ, phản ánh tình trạng cây đổ, đường kính, chủng loại cây, địa điểm nơi cây đổ, gãy cành theo từng địa bàn để việc xử lý được kịp thời và chuẩn xác. Huy động 100/100 quân số, thực hiện giải tỏa 24/24 giờ. Ưu tiên xử lý các cây đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản Nhân dân. Xử lý cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính, thu dọn cây đổ, cắt cây, cành, đánh gốc, san lấp, đảm bảo vệ sinh... đảm bảo giao thông nhanh nhất và trồng cây thay thế sau 15 ngày.
Về quy trình khắc phục sự cố liên quan đến cây xanh trong mùa mưa bão, theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi xử lý các tình huống khẩn cấp do cây gãy, đổ để đảm bảo ATGT trước mắt tập kết gỗ củi lên vỉa hè rộng; giải tỏa nhanh, gọn, tránh tình trạng tồn đọng cành, lá gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh.
Việc thu dọn hoàn thành toàn bộ các khâu như cắt cành, dọn lá, cắt thân cây, đánh gốc, vệ sinh san lấp hố trống và trồng cây thay thế bổ sung ngay trong thời gian 5 ngày kể từ khi có bão gây đổ cây. Đồng thời, thu hồi gỗ, củi được vận chuyển và tập kết tại vườn ươm Yên Sở - Hoàng Mai - Hà Nội. Trường hợp cây đổ gãy làm ảnh hưởng đến hệ thống điện, điện chiếu sáng và thông tin liên lạc các đơn vị cấp điện, thông tin liên lạc sẽ phối hợp khắc phục sự cố.
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, nhằm ứng phó với mùa mưa bão năm 2021, đơn vị đã cắt sửa, chặt hạ 7.272 cây chết nguy hiểm, trong đó, cắt sửa 7.200 cây phòng bão; chặt hạ 72 cây chết, sâu mục, nguy hiểm. Theo dự kiến hết quý II/2021 (thời điểm bắt đầu mùa mưa bão), công ty sẽ cắt sửa khoảng trên 20.000 cây… Trọng tâm trong cắt sửa là ưu tiên các loại cây như: xà cừ, muồng, phượng..., các cây có đường kính và chiều cao lớn. Cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục... sẽ được cắt sửa ngay để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, nhất là khi có gió bão.