Hà Nội: Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/12, Ban Dân tộc TP chủ trì, phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Cơ sở vật chất được nâng cấp đồng bộ

Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có lĩnh vực giáo dục được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; trong đó có khoảng 560 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục.

Để tiếp tục đầu tư phát triển GD&ĐT ở vùng đồng bào DTTS, UBND TP ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư theo kế hoạch là hơn 2.000 tỷ đồng.

Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh phát biểu tại lễ tuyên dương. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh phát biểu tại lễ tuyên dương. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Theo Ban Dân tộc TP, gần hai năm qua, Hà Nội đã bố trí gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở GD&ĐT, cũng như đầu tư trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi.

Với sự quan tâm, đầu tư của TP, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các nhà trường thuộc vùng đồng bào DTTS được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện, tại các xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô đã có 32/60 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.

Chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời

Cùng với nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất giáo dục, TP luôn coi trọng việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đối với vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi có hơn 200 giáo viên đang công tác là người DTTS.

Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại các trường trên địa bàn TP nói chung và giáo viên giảng dạy tại trường Phổ thông dân tộc nội trú và các trường vùng đồng bào DTTS.

Hai giáo viên xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương tại buổi lễ.
Hai giáo viên xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương tại buổi lễ.

Ngành giáo dục Hà Nội định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi về nghiên cứu, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong từng trường. Tổ chức thao giảng, dự giờ tại trường Phổ thông dân tộc nội trú và các trường phổ thông trên địa bàn vùng dân tộc. Qua đó, trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm của nhà giáo ngày càng được nâng cao, nhiều nhà giáo đạt chuẩn theo quy định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở vùng dân tộc, miền núi được thực hiện đầy đủ. Học sinh con hộ nghèo được miễn học phí và được hưởng mức hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/năm học; học sinh con hộ cận nghèo được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/tháng/năm học. Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú được hỗ trợ 80% mức lương tối thiểu/học sinh/tháng/năm học.

Ngoài ra, các em còn được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt đầy đủ theo quy định. Giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản, được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Giáo viên là người dân tộc thiểu số sau khi có bằng thạc sỹ được xếp lương cao hơn 1 bậc so với các đối tượng tương đương…

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành GD&ĐT, của các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên nói chung, học sinh, sinh viên DTTS nói riêng, chất lượng dạy và học vùng DTTS của Thủ đô được duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tiến bộ trên các mặt, ở tất cả cấp học, các nhà trường và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Để ghi nhận nỗ lực, đóng góp tích cực của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên vùng đồng bào DTTS đối với sự nghiệp GD&ĐT, sáng 11/12, Ban Dân tộc TP đã phối hợp với các sở ngành của Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương 31 thầy, cô giáo và 130 em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 được tuyên dương sáng 11/12.
Học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 được tuyên dương sáng 11/12.

Em Nguyễn Thị Cẩm Ly, dân tộc Mường (huyện Ba Vì), sinh viên xuất sắc năm học 2021 - 2022 của trường Đại học Thương mại, cho biết cảm thấy rất vui vì nhận được khen thưởng. Cẩm Ly cho biết những năm qua luôn được TP quan tâm, chăm lo điều kiện học tập tốt nhất. Bản thân em sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực để không phụ sự quan tâm của TP và tin tưởng của thầy cô, gia đình.

Theo Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh, trong thành tích chung của ngành GD&ĐT Thủ đô, có những đóng góp xứng đáng của giáo viên, học sinh, sinh viên DTTS. Các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn Hà Nội dù sinh sống, công tác, học tập ở các quận nội thành hay ở các huyện ngoại thành, vùng nông thôn hay miền núi đều đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu giảng dạy, học tập, tu dưỡng để đạt được thành tích cao.

Hà Nội: Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 1
Hà Nội: Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 2
 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc trong lĩnh vực GD&ĐT, ông Nguyễn Tất Vinh kiến nghị UBND TP tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhằm tăng nhanh số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia. Ban hành thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ đối với học sinh, cán bộ, giáo viên vùng đồng bào DTTS của Thủ đô.

Ban Dân tộc TP cũng đề xuất các cấp, bộ ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những chính sách phát triển GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, miền núi phù hợp giai đoạn mới. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo tiếng dân tộc cho giáo viên nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho các DTTS...

 

Nhờ có sự quan tâm sâu sát của TP Hà Nội, công tác GD&ĐT vùng đồng bào DTTS của Thủ đô đã đạt được những kết quả rất phấn khởi. 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học Trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm học 2021 - 2022 đạt trên 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương trên 80%.