Chiều 8/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và đề xuất kiến nghị trong thời gian tới”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì. Tới dự có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hà Nội cho biết: Ngày 30/11/2017, UBND TP đã ban hành Chỉ thị 22 về thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg và Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 để triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định của T.Ư, Quốc hội trong xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42; chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa khoản nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng các TCTD trên địa bàn. Theo đó, UBND TP giao nhiệm vụ cụ thể cho NHNN chi nhánh TP và các sở, ngành, quận, huyện; các TCTD tích cực triển khai giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết, hạn chế nợ xấu mới phát sinh… Qua 2 năm, việc xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chuyển biến tích cực, giúp các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nguy cơ mất vốn, đóng góp phát triển KT-XH Thủ đô; ý thức trả nợ của khách hàng được nâng lên. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn giảm từ 2,8%/tổng dư nợ vào 31/7/2017 còn 2,02%/tổng dư nợ vào 30/6/2019.
Đáng chú ý tại đây, hầu hết chuyên gia kinh tế và đại diện quận, huyện, sở, ngành, ngân hàng thương mại (NHTM)…- đối tượng trực tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết đánh giá, NHNN chi nhánh Hà Nội đã quán triệt nghiêm túc, triển khai kịp thời, hiệu quả việc quản lý nợ xấu của hệ thống TCTD trên địa bàn theo Nghị quyết, đạt thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý, cải thiện rõ tình trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, đại diện NH TMCP Công thương Việt Nam đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về thu giữ TSBĐ, bởi hầu hết vụ việc NH khởi kiện theo thủ tục rút gọn là rất khó khăn. Các quy định tương đối đầy đủ nhưng quan trọng nhất là quá trình triển khai thực tế, vì nhiều UBND quận, huyện, phường, xã chưa thực sự hỗ trợ NH trong triển khai, thậm chí họ chưa được hướng dẫn cụ thể . “Chúng tôi chủ yếu mới thu giữ được đất trống, nhà hoang, chứ với nhà dân đang có người ở là rất khó khăn, trong khi NH có lượng cán bộ và quyền hành rất mỏng. Rất mong sự vào cuộc của mọi cấp, ngành, nhất là các địa phương”, vị này nói. Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế-TS Nguyễn Trí Hiếu, chừng nào hiện tượng tiêu cực của các cơ quan thi hành án còn tồn tại thì chừng đó vẫn còn trở ngại cho việc giải quyết nợ xấu. Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, trước hết Quốc hội cần có giải pháp mạnh thiết lập một thị trường mua bán nợ rộng rãi. Phó Tổng Giám đốc NH Ngoại thương Việt Nam Phạm Mạnh Thắng đề nghị, cơ quan công an, chính quyền cơ sở cần kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức chống đối việc thu giữ TSBĐ theo quy định. Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Quân đội Phạm Thị Trung Hà thì đề xuất: Mỗi bộ, ngành có người phụ trách vấn đề này cần hàng tháng ngồi lại với nhau để có giải pháp cụ thể gỡ khó cho các đơn vị nhằm đẩy nhanh xử lý nợ xấu, chứ không chỉ là quy trình cho ý kiến.
Đại diện cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh: Đã qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết nhưng hướng dẫn thực hiện chưa chặt chẽ, nên Quốc hội cần xem lại; về nghĩa vụ thuế cần quy định rõ hơn với những giao dịch TSBĐ để các TCTD có cơ sở pháp lý thực hiện. Ngoài ra, nhiều ĐB đề nghị trong thực hiện Nghị quyết, Quốc hội cần cho bỏ bớt những thủ tục không cần thiết để phù hợp với Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc liên quan thu hồi nợ xấu.
Xem lại trách nhiệm các cấp, ngành
Từ các ý kiến này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, qua 2 năm, số khách hàng tự trả nợ đã tăng vọt, cho thấy họ có ý thức hơn về việc trả nợ- hiệu ứng tích cực từ triển khai thực hiện Nghị quyết 42.
Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Với 11 lượt ĐB phát biểu, đánh giá khách quan kết quả và những tồn tại, Đoàn tiếp thu và sẽ phản ánh đầy đủ, chính xác đến các bộ, ngành liên quan; đồng thời đề nghị đại diện các sở, ngành tiếp thu để tham gia ý kiến khi UBTV Quốc hội thảo luận vấn đề này.
Khẳng định Nghị quyết 42 ra đời là rất cần thiết với hệ thống TCTD, đã bước đầu phát huy hiệu quả trong phát triển KT-XH TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP cũng nhấn mạnh còn không ít khó khăn, mà nếu không được kịp thời tháo gỡ thì hiệu quả mang lại không cao. “Để giải quyết, các quận, huyện sở ngành cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 22 của UBND TP; UBND TP đánh giá kết quả sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, trong đó xem xét lại trách nhiệm của các cấp, ngành. Nhất là trước thực tế nhiều cấp ủy, chính quyền, nhất là khu vực ngoại thành chưa tích cực vào cuộc, NHNN chi nhánh Hà Nội và các sở, ngành cần tham mưu để TP chấn chỉnh ngay với các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ”, đồng chí nêu rõ.