Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), CLKK trên địa bàn TP Hà Nội trong tuần này nhìn chung có xu hướng xấu đi so với tuần trước, đã xuất hiện một số ngày tại các trạm có AQI ở mức xấu. Chỉ số AQI1 tại các trạm quan trắc dao động từ 20 - 184.
Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này CLKK đã xấu hơn so với tuần trước, các trạm đều đã xuất hiện AQI ở mức xấu (trừ trạm Tân Mai) và số ngày đặt mức tốt hoặc trung bình qua đó cũng giảm đi.
Cụ thể, trong 5 trạm nền đô thị thì có 4 trạm có 2 ngày AQI ở mức xấu chiếm 28,6%, 2 trạm có AQI ở mức kém chiếm từ 28,6% đến 42,9% (trừ trạm Kim Liên và Tây Mỗ không có ngày nào có AQI ở mức kém, còn lại ở mức trung bình và tốt. Với trạm Tân Mai, có 28,6% số ngày có AQI ở mức kém, còn lại ở mức trung bình và tốt.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, CLKK tại 2 trạm có xu hướng giống như những trạm khác là xấu hơn. Cả 2 trạm đều có số ngày AQI ở mức xấu chiếm 28,6% và mức kém cùng chiếm 42,9%, còn lại là mức trung bình và tốt. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 184 và 179.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, CLKK của tuần này có xu hướng tương tự, cụ thể cả 3 trạm đều có số ngày AQI ở mức kém chiếm 28,6%, số ngày AQI ở mức kém của trạm Hàng Đậu và Thành Công cùng là 42,9%, trạm Hoàn Kiếm ít hơn với 28.6%, Còn lại ở mức trung bình và tốt.
Có thể thấy, CLKK bị ảnh hưởng lớn bởi các hoạt động giao thông cũng như điều kiện thời tiết. Trong tuần vừa qua, sau đợt nghỉ Tết, hoạt động giao thông đã trở lại bình thường, thời gian đầu tuần lượng xe cộ lớn cộng với thời tiết có nhiều mây mù đã khiến CLKK xấu đi, tuy nhiên sau đó đã có những cơn mưa với cường độ lớn cả ban ngày và ban đêm đã khiến khói bụi và các chất ô nhiễm được rửa trôi, CLKK luôn ở mức tốt ở tất cả các trạm.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân; và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông...
Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố CLKK của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Người dân có thể theo dõi Chỉ số Chất lượng Không khí AQI trong những ngày tiếp theo tại website "moitruongthudo.vn". Đây là website chính thức của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để thông tin tới người dân chất lượng không khí nơi mình sinh sống được cập nhật liên tục hằng ngày.
Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng đưa ra khuyến cáo: với điều kiện CLKK ở mức trung bình (màu vàng), nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài. Trong điều kiện CLKK ở mức kém (màu da cam), nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.