Hà Nội chi hơn 2.000 tỷ đồng chống ùn tắc giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 với đa số đại biểu tán thành. Dự kiến, tổng kinh phí chương trình là 2.167,7 tỷ đồng.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông 2012-2015, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm rõ rệt, số điểm ùn tắc giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. TNGT giảm cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng trình bày tờ trình về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trình bày tờ trình về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của TP giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân, việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao... 
Do vậy, dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm. Số lượng các điểm và các tuyến đường ùn tắc giao thông còn nhiều, tai nạn giao thông ở mức cao.

Từ yêu cầu thực tế trên, UBND TP Hà Nội xác định cần phải tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu đặt ra là giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn TP. Mỗi năm giảm TNGT từ 5-15% trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp như: Công tác tuyên truyền; kiểm tra xử lý vi phạm; giải pháp về vốn; giải pháp về khoa học công nghệ; phối hợp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... 

UBND TP sẽ tổ chức lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP để xác định rõ lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng phát triển quá nhanh phương tiện giao thông cá nhân trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa kịp.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai đầu tư nhiều dự án xây dựng công trình giao thông có vai trò giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trong đó có 10 dự án đã phê duyệt danh mục giai đoạn 2012-2015 và 6 dự án có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện ra ngoài trung tâm TP theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất này cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác.

Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 2.167 tỷ đồng và được phân bổ chi tiết theo từng năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần