Hà Nội: Chìa khóa cải thiện năng suất, chất lượng đàn bò

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống, ngành chăn nuôi Hà Nội đã thành công nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò. Đây được coi là giải pháp chiến lược góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Hà Nội có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, do có nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu… Tổng đàn bò toàn TP là hơn 130.000 con, trong đó đàn bò sữa gần 15.000 con. Nhìn lại ngành chăn nuôi bò của Hà Nội trước năm 2010 có thể thấy, tổng đàn bò khoảng 149.000 con, nhưng bò sữa chỉ 7.700 con, còn lại là bò thịt và bò sinh sản.

Giai đoạn này, chủ yếu là các giống bò có năng suất, chất lượng thấp. Đối với bò sữa, sản lượng sữa chỉ đạt dưới 4.000 lít/chu kỳ; đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm 70% (các giống chủ yếu là bò lai Sind); tỷ lệ bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) mới đạt khoảng 34%.

Hà Nội đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào sản xuất
Hà Nội đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào sản xuất

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn TP, chất lượng đàn bò đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ TTNT trên đàn bò sữa đạt 100%, đàn bò thịt đạt 80%.

Cụ thể đối với bò thịt, đã đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào lai tạo (Brahman, Droghmatterr, BBB, Charolai, Angus, Wagyu...). Nâng khối lượng trung bình ở giai đoạn trưởng thành (24 tháng tuổi) từ 220 - 300 kg/con (bò vàng ) tăng lên 350 - 380 kg/con (bò lai Sind). Đến nay khối lượng của các giống bò lai chất lượng cao (BBB, Charolai, Angus, Wagyu) đã tăng lên 480 - 650 kg/con. Nâng tỷ lệ thịt xẻ từ 43% lên 63%.

Đối với bò sữa, đã đưa tinh phân ly giới tính để từng bước cải thiện đàn bò sữa, chọn lọc nâng cao năng suất sữa. Kết quả cho thấy, tỷ lệ bê cái sinh ra từ tinh phân ly giới tính đạt 90%, sản lượng sữa bình quân đạt 5.500 kg/con/chu kỳ (cao hơn 600 kg/con/chu kỳ so với sản lượng sữa bình quân của đàn bò sữa sinh ra từ tinh bò sữa thường).

Như vậy, các giống bò mới đã mang lại hiệu quả kinh tế từ 3 - 6 triệu đồng/bê; bò sữa được sinh ra từ tinh phân ly giới tính tăng thêm từ 6 - 8 triệu đồng/con/chu kỳ do sản lượng sữa tăng lên. Ngoài ra, công tác cải tạo đàn bò cái nền bằng tinh bò Brahman, Senepol là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên địa bàn TP còn có những khó khăn, hạn chế. Các hộ đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, còn sử dụng thức ăn tận dụng, chưa áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt trên địa bàn TP chưa có nhiều DN đầu tư chăn nuôi bò, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, do vướng mắc, khó khăn về thủ tục đất đai. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm từ bò sữa bò thịt còn hạn chế, chưa tương ứng với xu thế hội nhập quốc tế.

Cởi mở chính sách thu hút doanh nghiệp

Với dân số khoảng trên 10 triệu người, Hà Nội hiện đang là trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc. Ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của TP khoảng 320.000 tấn/năm. Trong khi đó sản xuất chăn nuôi của TP mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 60%. Đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng sản xuất ra mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu; sản lượng sữa bò tươi mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô.

Cuộc thi dẫn tinh viên giỏi cấp TP năm 2020
Cuộc thi dẫn tinh viên giỏi cấp TP năm 2020

Như vậy có thể thấy dư địa cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt của Hà Nội vẫn còn rất lớn. Trong vài năm trở lại đây, khi mà chăn nuôi lợn gà bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, thì chú trọng phát triển đàn gia súc lớn sẽ là hướng đi đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp chiến lược góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Theo đó, mục tiêu của ngành chăn nuôi là phát triển đàn bò sinh sản theo hướng tăng chất lượng và khối lượng đàn cái nền. Đối với đàn bò thịt, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng bằng phương pháp lai tạo với tinh bò chất lượng cao. Đối với bò sữa, tăng dần tỷ lệ đàn bò sữa Holstein Friesian theo hướng tiệm cận với chất lượng giống thuần chủng. Phát triển chăn nuôi gắn với lợi thế của các vùng, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc gắn với chuỗi liên kết.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, giải pháp đầu tiên Hà Nội cần tập trung giải quyết là tạo cơ chế chính sách thu hút DN vào đầu tư, như chính sách về hỗ trợ giống, xử lý môi trường. Tạo điều kiện để các DN đầu tư xây dựng liên kết chuỗi, xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp dành riêng cho chăn nuôi bò (TMR, TMF ...). Đồng thời đào tạo đội ngũ quản lý từ cấp TP đến các địa phương để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giống, thức ăn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi bò. Đào tạo đội ngũ kỹ thuật giỏi tay nghề về TTNT; tiếp tục tổ chức các hội thi về dẫn tinh viên giỏi, thi bò sữa bò thịt để động viên khuyến khích người chăn nuôi, kết nối thu hút các DN.

Mặt khác, tăng cường xúc tiến thương mại và liên kết chuỗi trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát dịch bệnh với phương châm phòng là chính, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời. Tập trung hướng dẫn các cơ sở xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xảy ra đối với bò sữa, bò thịt.