Tại Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm xây dựng đề án vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)" do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 8/8, ông Trần Huy Sáng cho biết, Hà Nội là đơn vị hành chính xếp hạng đặc biệt với quy mô 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, 7.979 tổ dân phố, 53 cơ quan hành chính, 2.634 ĐVSN với tổng biên chế hành chính sự nghiệp lên gần 160.000 người, lớn nhất cả nước.
“Quá trình đô thị hóa và tăng dân số nhanh chóng, khối lượng và tính chất công việc quản lý ngày càng cao, phức tạp; các cơ quan, đơn vị khó khăn trong cân đối biên chế, bố trí người làm việc, đòi hỏi công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ theo đề án VTVL phải được thực hiện khẩn trương, khoa học, phù hợp thực tiễn. Đây là yếu tố đột phá về tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức CBCCVC đủ về lượng, đạt về chất và là cơ sở để quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đánh giá CCVC hàng năm”, ông Sáng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở nội vụ chia sẻ, cách làm của Hà Nội là TP chỉ phê duyệt danh mục VTVL, khung năng lực VTVL, bản mô tả VTVL trên cơ sở tổng hợp các quy định của T.Ư, bộ, ngành, địa phương và thực tiễn những năm qua. Từ đó, TP giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cụ thể thêm những tiêu chí, nội dung của khung năng lực, bản mô tả và kết quả công việc cụ thể từng VTVL.
Bên cạnh đó, biên chế giao cho các đơn vị theo đề án VTVL giai đoạn 2017-2021 được khống chế giảm tối thiểu 10% theo đúng chủ trương. Thủ trưởng đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ đang triển khai và trình độ CBCCVC để quyết định biên chế từng VTVL trong tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao. Chính điều này buộc các đơn vị phải tuyển người đủ năng lực thay thế CCVC, NLĐ nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Với các ĐVSN, giao biên chế trên cơ sở định mức đã được quy định tại các văn bản của T.Ư và tập trung đẩy mạnh ĐVSN sang tự chủ để giảm số người hưởng lương ngân sách, giảm biên chế.
Với cách làm bài bản, từ năm 2013, TP đã phối hợp với Viện Khoa học tổ chức Nhà nước xây dựng thí điểm Đề án VTVL trong các cơ quan hành chính giai đoạn 2013-2015 và tháng 4/2015, Bộ phê duyệt TP có 366 VTVL. Cuối năm 2016, TP lập tổ công tác triển khai giai đoạn 2 của đề án và kết quả đến tháng 5/2017 đã phê duyệt xong đề án VTVL cho 53 cơ quan hành chính, tháng 9/2017 phê duyệt xong cho 2.634 ĐVSN. Đặc biệt, sau khi hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và phê duyệt đề án VTVL, TP đã tập trung đẩy mạnh ĐVSN sang tự chủ, đến cuối năm 2017 chuyển được thêm 106 ĐVSN tự chủ chi thường xuyên, tinh giản được 9.361 biên chế viên chức không hưởng hương từ ngân sách. Sản phẩm đề án VTVL của Hà Nội được các đoàn công tác T.Ư đánh giá cao và nhiều tỉnh, TP như Hải Phòng, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh đến trao đổi, áp dụng triển khai ở địa phương. Sau khi đề án được phê duyệt, TP đã kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp quy định và thực tiễn quản lý, để đề án phát huy tối đa hiệu quả.
Từ kết quả đạt được và khó khăn hiện nay, lãnh đạo Sở Nội vụ kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về khung năng lực VTVL, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực; có chính sách cụ thể giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư, luân chuyển khi thực hiện đề án. Chính phủ cũng cần cho phép Hà Nội xây dựng quỹ lương, thưởng để trả cho CBCCVC theo VTVL trên cơ sở yêu cầu công việc, nguồn thu ngân sách của TP và theo Nghị quyết 27 Hội nghị T.Ư 7 khóa XII; đồng thời cùng các bộ, ngành xem xét xây dựng khung pháp lý để kiểm soát khi phân quyền cho các ĐVSN tự chủ 100% tự phê duyệt đề án VTVL, số người làm việc. Ngoài ra, cần phân cấp, phân quyền cho UBND TP về điều chỉnh VTVL để cơ sở chủ động.