Hiện Hà Nội có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã; 584 xã, phường, thị trấn và 7.979 thôn, tổ dân phố; 54 cơ quan hành chính (24 cơ quan sở, ban, ngành và tương đương, 30 quận, huyện, thị xã), với tổng số 10.897 biên chế hành chính. TP cũng có 2.634 ĐVSN công lập trực thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, khối hội được giao biên chế, với 156.740 biên chế sự nghiệp.
Đến 30/6/2017, TP đã xây dựng xong đề án VTVL của toàn bộ khối hành chính quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành; và hết tháng 12/2017, hầu hết ĐVSN của TP đã có đề án này (chỉ còn một số đơn vị đang chờ hướng dẫn). Trong đó, khối sở, ngành đã giảm 46 phòng (bình quân mỗi sở giảm 2,5 phòng); khối ĐVSN giảm 247 đơn vị (tương đương giảm 47%). Có được kết quả này, theo ông Sáng, tại khối hành chính trước hết do TP xác định, việc xây dựng đề án VTVL sẽ áp dụng thực hiện trong 3-5 năm, bởi nội dung quản lý nhà nước thay đổi theo thời gian, nên TP không cầu toàn trong triển khai. Thực hiện theo đúng 363 VTVL đã được Bộ Nội vụ phê chuẩn, TP cũng xác định quan điểm rõ ràng: Xây dựng được khung năng lực (tiêu chuẩn bằng cấp, chuyên ngành, kinh nghiệm) và quan trọng là xác định được sản phẩm công việc cụ thể từng VTVL. “Đây là nội dung cốt lõi nhất của đề án VTVL, phải làm trên cơ sở các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, chuyên viên... của Chính phủ, các địa phương và tiêu chuẩn cụ thể của một số cơ quan, để xác định được khung năng lực, kết quả công việc từng VTVL với mỗi sở, ngành, quận, huyện”, ông Sáng nhấn mạnh và cho hay: Từ số VTVL được duyệt của sở, quận, huyện, cùng với thống kê số người đã làm việc ở VTVL này 5 năm qua, TP xác định số biên chế cần sử dụng 3-5 năm tới, với mục tiêu không tăng biên chế, đồng thời phải thực hiện lộ trình giảm 10% đến năm 2020. Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, với 30 quận, huyện, TP xác định số biên chế tối thiểu cho 1 quận, huyện; số vượt cao hơn thì giao Chủ tịch quận, huyện quyết định theo đặc thù công việc địa phương đó và con người cụ thể. “Hà Nội có những quận rất lớn như Đống Đa, Hai Bà Trưng hơn 20 phường, gấp đôi nhiều quận, huyện khác; những CBCC có kinh nghiệm làm tại VTVL lâu năm rồi thì chất lượng công việc sẽ khác người mới chuyển đến. Hơn nữa, trong khung năng lực của các VTVL, với “phần cứng”, TP xác định phải thống nhất mặt bằng chung toàn TP”, ông Sáng lý giải. Sở Nội vụ đã thành lập Tổ công tác do đích thân Giám đốc Sở làm tổ trưởng; chọn Sở Nội vụ, UBND quận Long Biên, huyện Đan Phượng làm thí điểm và sau 2 năm đã xong, hiện đang triển khai nhân rộng đến mọi đơn vị. Với cách làm trên, trong khối ĐVSN, TP cũng chọn làm điểm, trong đó khối giáo dục, y tế, văn hóa lớn nhất (chiếm 90% số ĐVSN) được tập trung làm đầu tiên. Lĩnh vực giáo dục được xây dựng đề án theo từng cấp học; khối y tế thì phê duyệt theo bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, hạng I, II...; dù hàng nghìn đơn vị nhưng được “quy” vào các khối nên TP phê duyệt nhanh gọn, đảm bảo trong đề án xác định được số vị trí và khung năng lực của CBCC tối thiểu để nâng chất lượng. Trong quyết định phê duyệt, TP lại giao trách nhiệm cho giám đốc các sở, thủ trưởng đơn vị cụ thể hơn về khung năng lực, kết quả công việc theo chuyên ngành đơn vị đó, với yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người dân. “Những kết quả trên đã giúp TP thực hiện tốt hơn công tác tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39, tuyển người lao động có chất lượng phục vụ công việc theo khung năng lực, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, đánh giá CBCC hàng năm. Đây cũng là cơ sở để trả lương CBCC theo đúng kết quả công việc, không cào bằng, không theo hệ thống lương chức nhiệm”, ông Sáng nhấn mạnh.Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm: TP đã giao mọi sở, ngành, quận huyện trên cơ sở đề án VTVL đã phê duyệt, tới đây phải xây dựng kế hoạch cụ thể từng đơn vị để đưa đề án vào thực tiễn; xây dựng quy trình giải quyết công việc bắt đầu từ chính nhu cầu người dân. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho sửa đổi các văn bản phù hợp sau khi có Đề án VTVL; cho phép TP thí điểm xây dựng chế độ tiền lương, thu nhập theo VTVL.