Hà Nội cho phép dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, tiệm cắt tóc mở cửa trở lại

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao kiểm tra, hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh như chăm sóc sắc đẹp, tiệm cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Ngày 6/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 4/2020.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng năm 2020 đã được Thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên về góc độ kinh tế, nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội của Hà Nội không đạt theo kế hoạch, có nhiều biến động. Qua 4 tháng đầu năm tình hình thu, chi ngân sách đều thấp hơn so với cùng kỳ; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn... nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19.
 UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 4/2020.
Dự báo về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP cho rằng dịch bệnh sẽ kéo dài trên thế giới, chưa có tín hiệu kết thúc trong thời gian ngắn. Vì vậy TP phải xác định công tác chống dịch phải thực hiện trong thời gian dài, đến khi thế giới có vaccine chống được bệnh.
Nêu tình hình kinh tế thế giới đã có dấu hiệu suy thoái, có dự báo kinh tế sẽ rơi sâu vào khủng hoảng, từ đó kinh tế của Hà Nội cũng sẽ tác động lớn, trong khi đó mục tiêu của Thành phố đặt ra, phấn đấu tăng trưởng cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP của cả nước. Từ ảnh hưởng của Covid-19 hiện nhiều ngành nghề của TP đều ảnh hửởng lớn, đặc biệt là du lịch, dịch vụ, hàng không, các doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội, hộ kinh doanh cá thể cũng sẽ ảnh hưởng...
Từ tình hình này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị của TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh quay trở lại, từ đó làm tiền để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên mà trong thời gian qua không thực hiện như đoàn đi công tác nước ngoài, các hoạt động lễ hội văn hóa, xúc tiến đầu tư, cắt giảm khoảng 15%. Sở Tài chính và kho bạc phải yêu cầu các đơn vị thống kê, có con số sơ bộ báo cáo thường trực Thành ủy trước ngày 15/5.
Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc các dự án đầu tư công, bao gồm các dự án của phường, xã, thị trấn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển nhà ở trong các khu đô thị mới, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại theo cơ chế đặt hàng.
Ngoài ra, phải tạo mọi điều kiện để tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, doanh nghiệp kết nối vận chuyển hàng hóa, bán hàng dưới nhiều hình thức khác nhau để kích cầu tiêu dùng.
Đặc biệt, Chủ tịch nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính và cho rằng đây là giải pháp “xương sống” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
“Tôi nắm được, có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở TN&MT chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ, xem xong lại “đá qua đá lại, có hồ hơ đá qua lại đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này” – Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Chủ tịch nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, bởi thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội chi phí sẽ tăng cao. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Cán bộ phải thực sự nỗ lực công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nêu khảo sát của VCCI, doanh nghiệp nước ngoài mất 24 triệu đồng cho một dự án xây dựng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát lại nội dung này và đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng trong thời điểm này.
Thành phố sẽ đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu ngành kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ngành nông nghiệp, bởi đây là cơ hội để nâng năng suất lao động.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho biết TP sẽ thắt chặt chi tiêu và quản lý mua sắm hiệu quả. Chủ tịch yêu cầu Sở Công thương, Sở Y tế nghiên cứu, không để thị trường y tế như tình trạng hiện nay. TP Hà Nội phải tiên phong trong việc xây dựng thị trường thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh đảm bảo công khai minh bạch, tránh tình trạng mỗi nơi một giá. Chủ tịch nêu ví dụ, công ty cung cấp thiết bị y tế phải công khai giá, chính sách bán hàng, bảo dưỡng, vật tư tiêu hao, đào tạo cán bộ...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Cục quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, nếu vi phạm thì phải thu giấy phép kinh doanh.

Chủ tịch UBND TP cho rằng đây cũng là cơ hội để Hà Nội điều chỉnh giờ làm, có thể giảm được 600-800 nghìn người lao động ra đường cùng một lúc, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông. Có thể thí điểm làm hết đến 31/12/2020.
Ngoài ra, Chủ tịch giao Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao kiểm tra, hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh như chăm sóc sắc đẹp, tiệm cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Trong điều kiện không còn ca bệnh, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Sở VHTT chuẩn bị các hoạt động văn hóa thể thao theo quy mô nới lỏng dần giãn cách xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần