70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội chống ùn tắc bằng cách tháo rào chắn, phân luồng lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ tổ chức phân luồng lại một số tuyến đường, hạn chế một số loại phương tiện đi vào tuyến quá tải.

“Tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức phân luồng lại một số tuyến đường, hạn chế một số loại phương tiện đi vào tuyến đường đang quá tải; Tăng cường công tác ứng trực, tổ chức phân luồng giao thông, đặc biệt vào những giờ cao điểm một cách kịp thời để không ùn tắc trở lại; Điều chỉnh thời gian thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông...”.

Đó là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra khi trao đổi với báo chí.
Nhiều tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc trong thời gian qua.
Nhiều tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc trong thời gian qua.
Nhiều tuyến ùn tắc

Một trong những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc nhất thời gian qua là đường Vành đai 3. Vào giờ cao điểm, hàng loạt các nút giao giữa tuyến đường này với đường Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi…

Tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu cũng trở nên quá tải. Một tuyến đường khác là Cầu Giấy - Xuân Thủy trong thời gian qua cũng xảy ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Mười, nhà ở Cầu Diễn làm việc ở Kim Mã cho biết, kể từ khi dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội triển khai đến nay, tình trạng ùn tắc trở nên thường xuyên hơn. Nhưng sợ nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều, đi qua đoạn đường này cứ phải nhích từng mét.

Sẽ tháo rào chắn, phân luồng lại một số tuyến

Trao đổi với PV thông về tình trạng giao thông Hà Nội ùn ứ nghiêm trọng những ngày qua, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT vừa tổ chức hội nghị bàn các giải pháp cấp bách về chống ùn tắc giao thông. Nhiều giải pháp đã được triển khai, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra vào giờ cao điểm.

Theo ông Viện, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc như: Phương tiện giao thông tăng nhanh, cơ sở hạ tầng phát triển không kịp, trong khi nhiều tuyến đường còn bị rào chắn để phục vụ các dự án. Hiện thành phố có gần 6 triệu ô tô, xe máy cá nhân, trong khi mỗi tháng tăng trung bình thêm 19 nghìn xe đăng ký mới, chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh hoạt động tại đây. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt. Hàng ngày, lượt người vi phạm vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe còn phổ biến.

“Các công trình đang thi công rào 2/3 đường, làm gì còn đường để đi. Trong giờ cao điểm ùn tắc là chuyện không thể tránh khỏi. Mỗi khi trời mưa, phương tiện giao thông tăng nhanh hơn những ngày thường vì người dân đi ô tô nhiều hơn. Trời mưa phương tiện giao thông cũng khó đi hơn, tốc độ phải chậm lại dẫn đến ùn ứ. Đấy là còn chưa nói đến việc bị ngập úng gây ùn tắc”, ông Viện lý giải.

Trước tình trạng ùn tắc gia tăng, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, Sở GTVT sẽ đưa ra các giải pháp chống ùn tắc đồng bộ, cụ thể hơn trong thời gian tới. “Khi trời mưa, các đơn vị phải xử lý ngay để tránh ngập, đồng thời tổ chức phân luồng giải quyết ùn tắc cục bộ. Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra lại những điểm rào chắn và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc việc rào chắn và gỡ rào chắn theo đúng quy định. Những chỗ nào rào chắn nhưng chưa thi công, phải tháo dỡ. Những chỗ thi công trong giờ cao điểm cũng buộc phải tháo dỡ để người dân lưu thông. Hết giờ cao điểm mới được rào lại. Đơn cử như nút nhà ga đường sắt ở Hà Đông, bình thường có thể cho đóng lại nhưng giờ cao điểm nhà thầu mở ra để các phương tiện lưu thông”, ông Viện nói.