Hoàn thành 59 dự án
Thông tin tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2022 tổ chức ngày 10/1, Phó Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND để tổ chức thực hiện. Trong đó, dự kiến đầu tư theo kế hoạch hơn 1.647,7 tỷ đồng để thực hiện 121 dự án.
Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, Hà Nội vẫn bố trí 935,7 tỷ đồng để triển khai 81 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiếp nhận nguồn vốn TP giao, các địa phương đã chỉ đạo thành lập tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ việc triển khai các dự án.
Các huyện được bố trí nguồn vốn đầu tư đã tích cực, chủ động triển khai các dự án. Báo cáo tiến độ giải ngân và rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, đến hết năm 2022, đã thực hiện giải ngân đạt trên 92% nguồn vốn được bố trí theo kế hoạch. Hiện, đã có 34 dự án hoàn thành, được đưa vào sử dụng; 25 dự án đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao và 22 dự án đang gấp rút thi công.
Theo ông Nguyễn Phúc Hải, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, TP cũng đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện nhiều sở ngành. Đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra tình hình triển khai Kế hoạch số 253/KH-UBND tại 5 huyện có đồng bào DTTS sinh sống tập trung gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Nhìn chung, các đơn vị đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ các dự án. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các DTTS trên địa bàn Thủ đô.
Quy hoạch dự án gắn với bảo tồn
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại một số địa phương chưa thực sự sát sao trong kiểm tra, đôn đốc nên chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu; có dự án việc lập quy hoạch không sát thực tế nên phải điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, danh mục dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp các đơn vị, địa phương chậm lập, phê duyệt, đề xuất đề án, dự án với UBND TP để có cơ sở cấp vốn thực hiện…
Từ thực tế quá trình triển khai tại các địa phương, Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết trong năm 2023, Ban sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc. Đặc biệt là phối hợp giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao kết quả triển khai công tác dân tộc năm 2022, đặc biệt là việc tham mưu của Ban Dân tộc để TP ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo. Thời gian tới, đề nghị Ban Dân tộc cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện hiệu quả công tác dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính vì vậy, dù ngân sách còn nhiều hạn chế nhưng từ năm 2021 đến nay, TP vẫn bố trí nguồn lực lớn để đầu tư cho các địa phương.
Bên cạnh tiếp tục triển khai các dự án đầu tư công bảo đảm tiến độ, chất lượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc và các sở ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đầu tư những dự án mới; trong đó, chú trọng dự án dân sinh, cấp thiết.
Công tác lập dự án đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc lập các dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS phải gắn với quy hoạch phát triển chung và bảo tồn được những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào vùng dân tộc.
Tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc tổ chức ngày 10/1, 10 tập thể đã được UBND TP trao tặng Bằng khen; 4 tập thể và 13 cá nhân được nhận giấy khen của Ban Dân tộc TP Hà Nội.