70 năm giải phóng Thủ đô

Hơn 25.000 trẻ 11 tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19:

Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến chiều tối 18/4, TP có thêm hơn 16.600 học sinh lớp 6 được tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 trong ngày hôm nay (18/4). Như vậy, tổng số trẻ trong độ tuổi này được tiêm trong 3 ngày 16-18/4 lên gần 25.100.

Vaccine dùng để tiêm cho trẻ em lần này là vaccine Moderna, liều 0,25ml. Sau khi được tiêm mũi 1, 28 ngày sau, những trẻ này sẽ được tiêm mũi 2.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19. Sau 28 ngày, trẻ sẽ được tiêm mũi 2.

Trước đó, để triển khai tiêm vaccine cho trẻ, TP Hà Nội đã tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng. Đặc biệt, trong quá trình tiêm chủng, Hà Nội rất quan tâm đến trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, suy dinh dưỡng hay có tiền sử dị ứng… và thực hiện khám sàng lọc thật kỹ. Bên cạnh đó, các điểm tiêm chủng cũng xây dựng phương án xử trí trong quá trình tiêm chủng, với những trẻ có bệnh lý nền hoặc dị ứng sẽ tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn nhất.

Tiêm phòng vaccine Covid-19 cho học sinh lớp 6 tại quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Tiêm phòng vaccine Covid-19 cho học sinh lớp 6 tại quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ từ 5-11 tuổi. Trong đó, có hơn 157.000 trẻ thuộc khối mẫu giáo; 743.200 trẻ em thuộc khối Tiểu học năm học 2021-2022 và hơn 102.100 trẻ em thuộc khối THCS (năm học 2021-2022).

Ngoài ra, qua thống kê, có hơn 6.600 trẻ em trong độ tuổi từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, không đi học nhưng sinh sống trên địa bàn TP.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, có nhiều buổi tiêm chủng khác nhau, cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng khi trẻ khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì cũng không nên tiêm chủng. Nếu đã mắc Covid-19, trẻ cần được trì hoãn tiêm trong 3 tháng sau mắc.

Vai trò của phụ huynh trong việc theo dõi trẻ sau tiêm vaccine Covid-19 được các chuyên gia lưu ý. Trẻ có thể gặp các phản ứng như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm. Đây đều là những phản ứng bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng, không bôi, chườm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Những phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm khi trẻ và gia đình đi ngủ. Trong khi trẻ trong độ tuổi này thường hiếu động, có trẻ chưa biết bày tỏ các bất thường của cơ thể. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, luôn bên cạnh con 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, để an toàn tiêm cho trẻ, phụ huynh cần phải lưu ý, trước khi tiêm chủng cần theo dõi ăn ngủ bình thường hay không, trẻ có vấn đề về viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi…). Chỉ tiêm khi trẻ thực sự khỏe mạnh. Đối với trẻ có đang có vần đề viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 không đưa trẻ tới điểm tiêm chủng. Tại điểm tiêm phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn trường hợp đó nên tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường.

“Trước khi tiêm chủng phụ huynh cần phải được biết con tiêm vaccine gì và các phản ứng ra sao? Sau tiêm trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm. Sau tiêm vaccine Covid-19, phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng bất thường như phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đứa trẻ đi khám" - PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo.