Vẫn còn thực phẩm chưa an toàn
Một trong những giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm được ngành nông nghiệp Hà Nội chỉ đạo thực hiện quyết liệt những năm qua là hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm tươi sống, sản phẩm chế biến tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao.
Chi cục trưởng Chi cục Chế biến, chất lượng và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã lấy 2.405 mẫu giám sát. 96,05% tổng số mẫu (tương ứng với 2.310 mẫu) được xác định là đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích. Mặc dù vậy, vẫn có 95 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (chiếm 3,95% tổng số mẫu được lấy ngẫu nhiên).
“Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, Chi cục đã tiến hành cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và yêu cầu khắc phục tại các cơ sở có mẫu vi phạm…” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin thêm.
Cùng với Chi cục Chế biến, chất lượng và Phát triển thị trường Hà Nội, các đơn vị của Sở NN&PTNT cũng đã tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, giám sát phục vụ công tác chuyên môn. Theo đó, trong tổng số 1.704 mẫu được lấy tại các cơ sở chuyên doanh, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, cơ quan chức năng phát hiện 25 mẫu vi phạm. Các mẫu này đã được xử lý, truy xuất theo quy định.
Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất
Việc còn tồn tại số lượng không nhỏ mẫu thực phẩm không an toàn sau phân tích, cũng như tình trạng vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở chuyên canh, vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại Hà Nội vẫn luôn tiềm ẩn. Nguy cơ này còn cao hơn khi vào dịp lễ Tết, lượng tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Cùng với công tác lấy mẫu phân tích chất lượng, an toàn thực phẩm, trong năm 2023, các đoàn liên ngành của TP Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 200 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.
Để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Hiện, Sở đang duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang duy trì và mở rộng Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản; tiếp tục phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản và thủy sản. Đồng thời, từng bước nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm sản và thủy sản.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong năm 2024, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong bảo đảm an toàn thực phẩm, nhóm giải pháp về thanh, kiểm tra, giám sát vẫn sẽ được chú trọng, nhằm tạo sức răn đe đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh vi phạm quy định pháp luật.
Trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh hoặc gia cầm thuộc diện có dịch bệnh cần phải quản lý.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu, giám sát, hậu kiểm tự công bố việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Trong đó chú tọng thanh tra, kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các tố chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản.