70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường

Minh Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội đến năm 2025.

Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngành Công Thương để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng của con người làm nguồn tài nguyên hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Công Thương tham gia thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Mục tiêu tổng quát của TP là ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Cụ thể, đến năm 2025, 70 - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát. 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy.

Xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, diện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp. Tỷ lệ các cụm công nghiệp (đang hoạt động và xây mới) có trạm xử lý nước thải là 100%.

Về nhiệm vụ, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, TP tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; xây dựng các cụm, điểm sản xuất, lưu giữ hóa chất tập trung nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách về khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, bền vững…

TP Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn TP. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình về công nghiệp môi trường.