Hà Nội có cơ chế mở cho doanh nghiệp công nghệ

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những TP đầu tiên có cơ chế mở cho DN phát triển.

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam tổ chức sáng 9/5.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Diễn đàn.
Công nghệ đang giải quyết các bài toán của Hà Nội
Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thế giới đang chuyển sang cuộc Cách mạnh Công nghệ lần thứ 4, mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả vận hành bộ máy nhằm đáp ứng một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất cho nhu cầu của người dân. Do đó, số hóa đóng vai trò quan trọng đối với một đô thị lớn như Hà Nội.
Nhằm hỗ trợ người dân và DN, trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin (CNTT) trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả làm việc với người dân và DN.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tiềm năng công nghệ như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ DN trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hóa CNTT cho Nhân dân; khuyến khích người dân sử dụng công nghệ số. Tính tới nay, Hà Nội đang thực hiện 17 chương trình ứng dụng công nghệ ở hầu hết các lĩnh vực lớn.
Trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu người dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan đến TP được thực hiện nhanh gọn. Hà Nội đang cung cấp 1.047/1.837 chiếm 57% dịch vụ công trực tuyến... Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng.
Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ phát triển
Về khía cạnh DN công nghệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn đang có hơn 3.500 DN hoạt động, tạo ra doanh thu hơn 244.000 tỷ đồng trong năm 2018. Điều này chứng minh Hà Nội có sức hút rất lớn đối với các DN công nghệ lớn. Hà Nội cũng liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi cũng như thuê ngoài các dịch vụ nhằm khuyến khích DN sản xuất công nghệ mới cũng như đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ.
Trong những năm trở lại đây, Hà Nội xác định được việc cần thiết xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngõ ngách, đồng thời khuyến khích tạo ra công nghệ mới. Bên cạnh đó, TP cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các DN đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ; chủ động rà soát, bãi bỏ những quy định không cần thiết, bổ sung cái mới đồng thời kết nối cộng đồng DN trong và ngoài nước.
Nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, bên cạnh việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức, TP đã thực hiện đào tạo sử dụng ứng dụng CNTT trong trường học, để từ đó các em học sinh hướng dẫn người thân sử dụng các dịch vụ. Chính sách này đã góp phần "xóa mù" CNTT trên địa bàn.
Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương như Hà Nội, thí điểm cơ chế đầu tư CNTT, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu tại các địa phương.

Hà Nội dẫn đầu về Chỉ số công nghiệp CNTT năm 2018

Theo kết quả đánh giá Chỉ số công nghiệp CNTT - Vietnam IT Industry Index 2018 do Vụ CNTT (Bộ TT&TT) thực hiện, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã dẫn đầu toàn quốc về phát triển công nghiệp CNTT. Chỉ số này được đánh giá, xếp hạng căn cứ trên 3 nhóm chỉ số thành phần với nhiều chỉ tiêu, bao gồm: Chỉ số sản xuất CNTT (doanh thu sản xuất CNTT, giá trị xuất khẩu CNTT, nộp thuế từ sản xuất CNTT); Chỉ số dịch vụ CNTT (doanh thu dịch vụ CNTT, giá trị xuất khẩu dịch vụ CNTT, nộp thuế từ dịch vụ CNTT); Chỉ số kinh doanh CNTT (doanh thu kinh doanh, phân phối CNTT; nộp thuế từ kinh doanh, phân phối CNTT).