Đoàn công tác của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn TP.
Đoàn công tác Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phân luồng, tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa. |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn TP Hà Nội ghi nhận 1.915 bệnh nhân mắc SXH, phân bố tại 332 xã, phường của 29 quận, huyện, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) và phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm).
Số ca mắc SXH thời điểm hiện tại giảm 47,2% so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ ghi nhận 3.626 trường hợp). Hiện một số quận, huyện có số ca mắc SXH cao như: Huyện Phúc Thọ nhiều nhất với 343 ca mắc, tiếp đến là huyện Thường Tín (234 ca), quận Nam Từ Liêm (219 ca), huyện Thanh Oai (193 ca)...
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, tuy số ca mắc SXH trên địa bàn TP có giảm so với cùng kỳ của các năm trước nhưng qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều đang là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Đặc biệt, theo chu kỳ hằng năm, đỉnh dịch là từ tháng 9 đến tháng 11. Do đó, các địa phương cần phải quyết liệt triển khai hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Tại thời điểm kiểm tra, trên địa bàn quận Đống Đa có 10 bệnh nhân SXH đang điều trị, trong đó tại ổ dịch ở ngõ 360 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa có 2 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện đa khoa Đống Đa cũng đang điều trị cho 15 bệnh nhân SXH. Từ đầu năm đến nay, về căn bệnh này, bệnh viện tiếp nhận 435 người bệnh khám ngoại trú và 179 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Số ca mắc tập trung chủ yếu vào tháng 8 và tháng 9/2020.
Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn lưu ý, với dịch SXH, các địa phương cần huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động đội xung kích diệt bọ gậy, tăng cường hoạt động của tổ giám sát từ quận đến phường. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, trong đó chú ý đến các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tập trung đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu cho công tác cấp cứu nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.