Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có hơn 1.000 thư viện cộng đồng

Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, tại Thư viện Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nêu rõ, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 là dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển thư viện và văn hóa đọc của đất nước.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cẩm Tú
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cẩm Tú

Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, điều chỉnh, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong việc truyền bá tri thức, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội Lê Thị Hồng Hạnh đã trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện. Theo đó, hiện nay TP có 1 thư viện cấp tỉnh, 29 thư viện cấp huyện, 53 thư viện cấp xã. Ngoài ra, có 1.096 thư viện cộng đồng, thư viện, phòng đọc cơ sở và 13 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

Sau 5 năm triển khai, thư viện các cấp đã đạt được những thành tích nhất định trong việc lưu trữ, bảo tồn vốn tài liệu có giá trị, xây dựng phong trào đọc sách, duy trì và phát triển nhu cầu đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.  

Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phổ biến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, hướng tới sự phát triển xã hội, đất nước ngày càng văn minh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cẩm Tú
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cẩm Tú

Trong công tác xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở, lãnh đạo các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động văn hóa nói chung; các thôn, cụm dân cư có trụ sở nhà văn hóa khang trang, tạo cơ sở vật chất… nhằm xây dựng, phát triển và duy trì hoạt động của các thư viện, tủ sách.

Phát triển văn hóa đọc đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đơn cử, Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Hà Nội được tổ chức hàng năm, nhận được sự quan tâm lớn từ các em học sinh, sinh viên, thiếu niên nhi đồng… Tiểu biểu năm 2024 có 28/30 quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động hưởng ứng, thu thút gần 500.00 lượt bạn đọc tham gia.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 - 2024, Thư viện Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc TP Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với 100% quận, huyện triển khai.

Tuy nhiên, 5 năm qua, với sự bùng nổ của thông tin, sự thay đổi thói quen đọc của người dân… việc thực thi triển khai Luật Thư viện vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể, việc triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Luật Thư viện cùng các văn bản liên quan gặp không ít khó khăn, đặc biệt tại các huyện ngoại thành xa trung tâm như Mỹ Đức, Ba Vì. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác chuyên môn và nghiệp vụ trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn toàn TP.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cũng nhận định: “Chính quyền cấp huyện, cấp xã tại một số quận, huyện chưa thực sự quan tâm thực thi Luật Thư viện. Nhận thức của lãnh đạo về vai trò quan trọng của thư viện trong đời sống tinh thần của người dân địa phương còn phiến diện.

Cũng trong hội nghị, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý và người làm công tác thư viện đã tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện thể chế; tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện trong thời gian tới.