Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có nhiều dư địa phát triển công nghiệp văn hoá

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị về phía T.Ư có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía TP có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND TP cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ trụ sở Thành ủy Hà Nội trực tuyến đến 625 điểm cầu trên địa bàn TP với sự tham dự của 26.374 đại biểu.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.

Tận dụng tiềm năng để phát triển CNVH

Tại Hội nghị Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã phát biểu khai mạc, giới thiệu những nét khái quát về Nghị quyết 09 - NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Nghị quyết 09)  của Thành uỷ.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong: Công nghiệp văn hoá (CNVH) không phụ thuộc vào trình độ phát triển của các quốc gia. Không chỉ quốc gia tại Tây Âu, Bắc Mỹ mà các các quốc gia phát triển chậm hơn hoặc đang phát triển cũng có thể phát triển CNVH. Xuất phát điểm không phải yếu tố quan trọng, quyết định về việc có phát triển CNVH hay không. Vì vậy, trên địa bàn TP có 30 quận, huyện với trình độ phát triển khác nhau, có huyện vùng xa trung tâm, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng không có nghĩa là không phát triển được CNVH.

“Hà Nội có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, các địa phương đều có thể tận dụng phát triển CNVH, không có địa phương nào không có điều kiện. Không chỉ các riêng quận, huyện mà cấp phường, xã cũng cần quan tâm triển khai, để nghị quyết Thành uỷ đi vào cuộc sống” - Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Bí thư Huyện uỷ Gia Lâm Lê Anh Quân phát biểu tại điểm cầu. Ảnh: Lại Tấn.
Bí thư Huyện uỷ Gia Lâm Lê Anh Quân phát biểu tại điểm cầu. Ảnh: Lại Tấn.

Là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đã tổ chức triển khai, có kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 09, phát biểu tại điểm cầu trực tuyến, Bí thư Huyện uỷ Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: Huyện Gia Lâm đã tập trung phân tích, xác định rõ tiềm năng và thế mạnh, hay nói cụ thể là chúng ta có gì để phát triển công nghiệp văn hóa. Cụ thể, huyện Gia Lâm có nguồn tài nguyên xã hội nhân văn phong phú, là quê hương của 2 trong “Tứ bất tử”; có 320 di tích lịch sử văn hóa với hàng vạn di vật, hiện vật quý giá; 100 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như Lễ hội Gióng ở Đền Phù Đổng cùng với Hội Gióng ở Đền Sóc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với huyện Gia Lâm, quận Hoàn Kiếm là địa bàn có nhiều thế mạnh về phát triển CNVH. Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ trên địa bàn (không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa đọc phố sách Hà Nội); không gian sáng tạo (Phố bích họa - Phùng Hưng) với quy mô lớn. Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ trong Khu phố cổ tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội; là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã công bố kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết 09 của UBND TP. Trong các nội dung trên, TP Hà Nội có những đầu việc cụ thể, giao từng ngành thực hiện, quy định rõ tiến độ thời gian.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng; Giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.

Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á; Nằm trong nhóm các TP có ngành CNVH phát triển hàng đầu; Phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của TP.

Mục tiêu đến năm 2045, ngành CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn; Là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; Ngang tầm các thủ đô và TP hàng đầu trong khu vực; Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới; Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của TP.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP Hà Nội tập trung thực hiện 8 nội dung: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về CNVH; Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Phát triển thị trường CNVH; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; Triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo.

Về việc tổ chức thực hiện, kế hoạch nêu rõ 9 nội dung, giao cho các đơn vị nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, với công tác tuyên truyền, kế hoạch giao cho các cơ quan báo chí TP cùng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư tăng cường tuyên truyền nội dung Nghị quyết, Kế hoạch; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá, phục vụ phát triển CNVH Thủ đô.