Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển ngành cơ điện tử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các lĩnh vực gắn liền với công nghiệp cơ điện tử (CN CĐT) như nghiên cứu thiết kế lắp ráp, cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, CN phần mềm… của Hà Nội được đánh giá là có tiềm năng, nhất là đội ngũ nhân lực đang có vị trí dẫn đầu cả nước.

Với sự hấp dẫn người tiêu dùng về sự tiện dụng vượt trội, nhu cầu các loại sản phẩm CĐT ngày càng lớn. Sớm nắm bắt thị trường này, từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, Hà Nội đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đến đầu tư lắp ráp sản xuất sản phẩm CĐT, hình thành nên hệ thống DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyên sâu. Điển hình nhất là Công ty Canon Nhật Bản hiện đạt 6 triệu máy in màu và 1,3 triệu máy scaner/năm. Đây cũng là sản phẩm chủ lực đang nắm giữ vị trí số 1 về giá trị và kim ngạch XK của CN Thủ đô…

Đặc biệt gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều DN CĐT Việt bước đầu làm chủ cả công đoạn nghiên cứu thiết kế, tạo ra sản phẩm CĐT có thương hiệu bản sắc riêng. Đó là Công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh EEMC chế tạo thành công máy biến áp 500 kVA, Công ty Kỹ thuật Seen sản xuất lắp ráp cột đo nhiên liệu điện tử, Công ty Xuân Kiên sản xuất lắp ráp ô tô con đạt nội địa hóa 50%...

Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển ngành cơ điện tử - Ảnh 1

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan, song theo Sở Công Thương, hạn chế lớn nhất của CN CĐT Thủ đô hiện nay là giá trị gia tăng thấp, do DN mới tập trung vào lắp ráp, chưa tham gia nhiều vào các công đoạn nghiên cứu thiết kế kỹ thuật, chế tạo linh kiện chi tiết, marketing. Đặc biệt, "CN CĐT Hà Nội rất thiếu lực lượng nghiên cứu phát triển, nhất là đội ngũ tư vấn, thiết kế công nghệ và chế tạo. Việc đào tạo nhân lực ngành này chưa được quan tâm đúng mức, không có chính sách và chiến lược đào tạo đồng bộ...", ông Lưu Minh Đức, Phó phòng Quản lý CN (Sở Công Thương Hà Nội) nhấn mạnh.

Do đó, các chuyên gia cho rằng để đạt mục tiêu năm 2015 có thể sản xuất một số sản phẩm CĐT có chất lượng ngang tầm khu vực và đến năm 2025 có sản phẩm hoàn toàn "made in Vietnam", Hà Nội cần khảo sát lại các sản phẩm CĐT có thế mạnh riêng như máy công cụ CNC, máy xây dựng, ô tô, xe máy, đồ gia dụng… để lựa chọn những mặt hàng hiệu quả nhất, từ đó có giải pháp hỗ trợ đủ mạnh. Trong đó, theo TS Phạm Thị Huyền (ĐH Kinh tế Quốc dân), Hà Nội cần tạo điều kiện cao nhất cho mở rộng hợp tác đầu tư đi đôi với ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhằm tạo sản phẩm CĐT đủ sức góp phần vào chuỗi sản phẩm CN chủ lực của Thủ đô.