Ngày 16/11, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm xây dựng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập” trong tình hình mới, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh.
Trong tình hình mới, Hội Khuyến học Hà Nội đặt ra chỉ tiêu trong năm 2022, mỗi mô hình học tập tăng từ 3 – 5% trở lên so với năm trước. Đồng thời, triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập”, “Công dân số” theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện những chỉ tiêu này, Hội Khuyến học Hà Nội sẽ đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng. Hội sẽ xây dựng các mô hình học tập (Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập) theo tiêu chí mới. Đồng thời triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” hướng đến “Công dân số” theo các tiêu chí khi được Chính phủ phê duyệt.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, tới đây tiêu chí “gia đình học tập” cũng phải khác đi cho phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Thủy Trúc. |
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những điều kiện bình thường mới; kinh nghiệm rút ra trong năm qua để trong giai đoạn mới sẽ phát huy và đổi mới cách làm. Tham luận về xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới, ông Nguyễn Văn Việt – Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ, với tinh thần chủ động sáng tạo, các cấp Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm đang từng bước đổi mới tư duy, đổi mới cách làm bằng các kỹ năng, hoạt động thiết thực áp dụng công nghệ thông tin như thành lập nhóm Zalo để triển khai những nội dung, công việc cho các thành viên trong nhóm khuyến học từ quận tới cơ sở và ngược lại, đây là một việc làm rất thiết thực, kịp thời, hiệu quả.
Các đại biểu đề nghị thay đổi những tiêu chí về mô hình học tập cho phù hợp với tình hình mới cũng như theo Quyết định của Đảng, Chính phủ và đặc biệt là Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”. Đối với Bộ tiêu chí 3 năng lực và 10 kỹ năng do Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng để công nhận mô hình “Công dân học tập”, các đại biểu đề nghị Hội Khuyến học Hà Nội chẻ nhỏ cho phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.
Năm 2022, Hội Khuyến học Hà Nội sẽ triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” hướng đến “Công dân số”. Ảnh: Thủy Trúc. |
Ở khối trường đại học, cao đẳng, trong điều kiện bình thường mới, các Ban khuyến học đã chuyển hoạt động của mô hình học tập từ trực tiếp sang trực tuyến thông qua mạng zalo, face của các hội nhóm; tổ chức các hội thảo, tọa đàm trực tuyến. Để không bị giãn đoạn việc học tập trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Th.S Lương Tuấn Long đến từ Ban Khuyến học trường Đại học Mở Hà Nội đề nghị nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục là thành viên của Hội Khuyến học Hà Nội trong việc xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở để cung cấp thông tin cho các đơn vị, cá nhân tìm kiếm, tham khảo.
Ông Tuấn Long cũng đặt ra vấn đề bản quyền, nguồn thông tin chính thống để tránh cho người dân tiếp cận những kiến thức sai lệch. “Chúng tôi đề nghị Hội Khuyến học Hà Nội yêu cầu các đơn vị, tổ chức thành viên cùng nhau xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục. Đầu tiên, website của Hội Khuyến học có mở chuyên trang kiến thức cơ bản trong cuộc sống. Đồng thời, đa dạng hóa các khóa học miễn phí để nâng cao năng lực tự học cho người dân. Về phía trường ĐH Mở Hà Nội sẽ sẵn sàng cùng Hội Khuyến học Hà Nội sử dụng công nghệ, kỹ thuật của mình để xây dựng những bài giảng” – ông Tuấn Long nói.
ThS Lương Tuấn Long - Ban Khuyến học trường Đại học Mở Hà Nội đề nghị website của Hội Khuyến học Hà Nội có mở chuyên trang kiến thức cơ bản trong cuộc sống để phục vụ nhân dân. Ảnh: Thủy Trúc. |
Chúng ta sống chung với Covid-19 như sống chung với bệnh cúm mùa. Sống chung với Covid-19 trong điều kiện bình thường mới là mọi người phải tiêm vaccine ngừa, thực hiện 5K, 5T. Từ quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, tới đây tiêu chí “gia đình học tập” cũng phải khác đi; chứ không phải gia đình mắc Covid vì không biết cách phòng tránh. Đối với tiêu chuẩn “công dân học tập”, chúng ta giữ 3 năng lực cốt lõi nhưng kỹ năng thì phải thay đổi cho phù hợp với đối tượng. Người công dân hiện nay phải trở thành công dân số với những tiêu chuẩn như biết sử dụng điện thoại thông minh, truy cập vào mạng để khai thác và sử dụng thông tin, hiểu biết về pháp luật số, sức khỏe số. Và muốn có những kỹ năng số tạo ra công dân số thì phải học.