Hà Nội: Công tác tuyên truyền đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch Covid-19

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền đã được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặc biệt quan tâm để chuyền tải thông tin một cách chính xác và nhanh nhất đến với người dân, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch của TP.

Lắng nghe báo chí để điều chỉnh phù hợp
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Sở TT&TT đã thường xuyên cập nhật, cung cấp các văn bản chỉ đạo, thông tin về chủ trương, chính sách và các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và TP cho các cơ quan báo chí dưới nhiều hình thức như: Cổng thông tin điện tử các Sở, ban, ngành, quận, huyện; Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội; Email công vụ...
Duy trì các nhóm phóng viên chuyên trách qua mạng xã hội Zalo, Facebook... từ đó tổ chức hướng dẫn và cung cấp thông tin 24/7 cho báo chí tuyên truyền về các hoạt động của TP Hà Nội nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng; Tiếp nhận thông tin phản hồi dư luận thông qua phản ánh của phóng viên báo chí, báo cáo lãnh đạo TP để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp với thực tế triển khai trong công tác phòng, chống dịch.
Phóng viên báo chí tác nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19.
Qua rà soát thông tin báo chí, Sở TT&TT Hà Nội đã kịp thời phát hiện để xử lý và cải chính đối với các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, rút tít gây hoang mang dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP. Đồng thời, Sở đề nghị các cơ quan báo chí xây dựng các tuyến tin, bài đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, kích động; Phản bác những thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch của TP.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Sở TT&TT Hà Nội cũng thường xuyên khuyến cáo người dân tìm đọc tin tức từ các nguồn chính thống, kịp thời phát hiện những thông tin độc hại để phản ánh tới cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý; Yêu cầu dừng việc lan truyền thông tin giả mạo, chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, từ ngày 8/9, Sở TT&TT gửi thông tin báo chí hằng ngày tới các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội để tuyên truyền về công tác phòng. chống dịch bệnh Covid-19 của TP. Từ 27/4 đến nay, trên báo chí có 124.861 tin, bài về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP.
Tận dụng mạng xã hội
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mạng xã hội được xem là “cây cầu” kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi các tỉnh, thành đang triển khai lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mạng xã hội, dù trong nhiều trường hợp không phải là một kênh thông tin tuyên truyền chính thống, nhưng trong truyền tải thông tin về phòng, chống dịch, mạng xã hội đã có những đóng góp không nhỏ, cùng với nhiều phương tiện thông tin đại chúng trở thành kênh khá hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch.
Địa chỉ Zalo của Sở TT&TT Hà Nội.
Tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội, từ ngày 27/4 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã gửi tổng số 250 bản tin với 1.193 tin, bài, tương ứng với hơn 515.304.000 lượt tài khoản người dùng Zalo; Đăng 1.147 tin, bài lên tài khoản “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội" trên mạng xã hội Lotus nhằm thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các lực lượng chức năng.
Các thông tin liên quan đến vaccine cũng liên tục được cập nhật giúp người dân có hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh, tin tưởng đồng thuận với các giải pháp phòng dịch của TP. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội các văn bản chính thống do TP ban hành được nhiều người chia sẻ qua mạng xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời đã trở thành công cụ đắc lực, một kênh truyền thông hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19.
Sở TT&TT Hà Nội cũng đã phối hợp các doanh nghiệp thiết lập trung thông tin điện tử tổng hợp lan tỏa trên các trang thông tin điện tử lượng người đọc lớn (như baomoi, 24h, soha, tintuc, tinmoi, netnews...) 2.960 tin, bài về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của TP. Từ ngày 27/4 đến nay, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã đăng tải 225 văn bản, 172 video, 1.437 tin, 100 bài, 2.487 ảnh, 458 câu hỏi về thực hiện Chỉ thị 17, 20, 27, Công điện số 18, 19, 20, 21, 22 và các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.
Ngoài ra, Sở TT&TT đã tích cực phối hợp các doanh nghiệp sở hữu bảng điện tử tuyên truyền thông điệp 5K+vaccine; Tuyên truyền kêu gọi người dân khai báo y tế hàng ngày, đặc biệt khi có một trong các triệu chứng như: Sốt, họ, dau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác... tại 6.531 màn hình các tòa nhà văn phòng, khu đô thị và màn hình lớn tại 3 vị trí ở trung tâm TP.
“Mạnh tay” với thông tin sai sự thật về dịch Covid-19
Từ đầu năm 2021 đến nay, cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp, khó lường. Trên “mặt trận” mạng xã hội, chúng ta lại phải đối diện với hàng loạt thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Trước thực tế đó, Hà Nội đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
 Nhiều trường hợp bị xử phạt vì đăng tải tin giả liên quan tới dịch Covid-19.
Đến ngày 25/10/2021, Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt lên tới 270 triệu đồng. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở TT&TT cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, nguyên nhân các đối tượng đăng tin chủ yếu nhằm mục đích “câu view, câu like”, một số khác gửi tin nhắn cảnh báo trong các nhóm kín. Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Tới đây, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tập trung tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận.
Sở TT&TT Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 19/5/2021 ngày UBND TP Hà Nội về quản lý thông tin trên hệ thống báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội đảm bảo an ninh thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2022, Sở TT&TT Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực trên môi trường mạng, góp phần phát huy được thế mạnh của báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội (nhất là các mạng xã hội trong nước), trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, TP trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển; Định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.