Bãi rác sắp hết chỗ chứa
Trong nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được chuyển về 2 khu xử lý chất thải rắn là Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì), Nam Sơn (Sóc Sơn) để xử lý theo phương thức chôn lấp. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các bãi chôn lấp đã dần quá tải và dần dần không còn khả năng tiếp nhận rác thải.
|
Hiện bãi rác Nam Sơn - bãi rác lớn nhất Thủ đô đang trong tình trạng quá tải, sắp hết khả năng tiếp nhận rác. |
Cụ thể, tại bãi Nam Sơn, đơn vị vận hành bãi đang tiếp nhận rác tại khu vực hồ sinh học và hợp nhất giữa các ô 4, 7, 9 – với diện tích và khối lượng tiếp nhận rất khiêm tốn. Theo kế hoạch của Sở Xây dựng Hà Nội khối lượng rác chôn lấp tại bãi Nam Sơn năm 2021 là 704.085 tấn; năm 2022 là 920.530 tấn. Khối lượng rác thải còn lại được xử lý tại nhà máy đốt rác Thiên Ý (công suất 4.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, do Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý chậm tiến độ đến nay chưa rõ thời điểm đưa vào vận hành chính thức, dẫn đến bãi Nam Sơn luôn trong tình trạng quá tải, đến nay đơn vị vận hành phải tiếp nhận vượt kế hoạch 76% tổng khối lượng được giao năm 2021.
|
Tại bãi rác Xuân Sơn, nếu không có những giải pháp kịp thời thì cuối năm 2021 bãi rác này cũng hết khả năng tiếp nhận rác. |
Tương tự, tại bãi rác Xuân Sơn - khu vực tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 13 địa bàn gồm 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây với khối lượng bình quân hiện nay khoảng 1.500 tấn/ngày (trong thời điểm dịch Covid-19 lượng rác tiếp nhận khoảng 1.250 tấn/ngày), trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày (tăng 230 tấn/ngày, khoảng 20% so với kế hoạch) và khối lượng gói thầu, quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thiếu vị trí tiếp nhận, xử lý…"Nếu không có những giải pháp kịp thời thì đến cuối năm nay, bãi rác Xuân Sơn cũng hết chỗ chứa rác" - một cán bộ của đơn vị thu gom cho hay.
|
Công nhân bãi rác Nam Sơn đội mưa hướng dẫn phương tiện vào bãi trong đêm. |
Trước tình trạng các bãi chôn lấp ngày càng quá tải, hết chỗ chôn lấp, Sở Xây dựng đã chủ động rà soát các khu vực, ô chôn lấp báo cáo TP cho phép xử lý rác. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp trước mắt, tạm thời chờ ngày Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa hoàn thiện, chưa thể tiếp nhận rác theo đúng tiến độ đã đề ra… khiến công tác xử lý rác gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những tháng cuối năm khi khả năng tiếp nhận rác của các ô hợp nhất đã cạn kiệt.
Lùi đến bao giờ?
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về tiến độ của dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện Công ty CP năng lượng Thiên Ý - Chủ đầu tư dự án cho biết, chắc chắn tiến độ của dự án sẽ bị chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 2 tháng. Do đó, nếu không có gì thay đổi phải đến hết năm 2021, dự án mới có thể hoàn thành và đi vào hoạt động. Lý giải về việc dự án liên tục bị chậm tiến độ theo cam kết với TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
|
Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý tiếp tục chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, trong suốt mấy tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội mỗi ngày trên công trường chỉ có khoảng hơn 100 công nhân làm việc. “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp để thu hút công nhân, thậm chí tăng lương đối với người lao động trực tiếp tại công trường lên tới 30 triệu đồng/tháng… nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công nhân người ngoại tỉnh về quê chưa thể quay lại công trường làm việc gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án” – bà Nguyễn Thị Hồng Vân nói.
Được biết, nhằm giải quyết tình trạng cấp bách, khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP trong điều kiện các khu chôn lấp hợp vệ sinh không còn khả năng tiếp nhận rác, các khó khăn trong xử lý nước rác, bảo đảm VSMT tại các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn… TP Hà Nội đã phê duyệt, triển khai nhiều dự án nhà máy xử lý chất thải theo hướng hiện đại, biến rác thành tài nguyên. Thế nhưng, đến thời điểm này, các dự án được coi là “cứu cánh” cho vấn nạn trên vẫn giậm chân tại chỗ.
|
Việc các dự án nhà máy đốt rác tiếp tục chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. |
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, UBND TP đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư: Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực về con người, tài chính, bộ máy nhân sự, vượt qua các khó khăn do dịch Covid-19 để hoàn thành dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, hoạt động tiếp nhận, xử lý rác theo tiến độ. Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin (bãi rác Xuân Sơn) hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, bảo đảm đủ điều kiện khởi công năm 2021; thi công, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian tối đa 22 tháng… Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ của các dự án vẫn khá mông lung, chưa chốt được ngày về đích.
Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, câu chuyện quá tải của bãi chôn lấp rác tại Hà Nội không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Để khắc phục tình trạng này, trong những năm qua, TP Hà Nội và đơn vị có liên quan đã triển khai nhiều biện pháp từ những biện pháp dài hơi (xây dựng các nhà máy xử lý rác thải) đến những biện pháp ngắn hạn (tận dụng khoảng không giữa các ô rác, đổ thêm vào các ô chôn lấp rác thải đã đóng)… nhưng những nỗi lo trong công tác tiếp nhận, xử lý rác thải vẫn hiện hữu. Do đó, để chấm dứt tình trạng trên, TP cần quyết liệt, mạnh tay xử lý những dự án xử lý rác thải chậm tiến độ, kiên quyết thay thế những đơn vị không đảm bảo năng lực, có quyết định đầu tư nhưng chậm, không triển khai thực hiện.
Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới; Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ. Khi đi hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội. Theo cam kết cuối năm 2019 với lãnh đạo Hà Nội, nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, chính thức vận hành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau nhiều lần cam kết, dự án vẫn chưa thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng. |
Nhà máy Điện rác Seraphin có công suất 1.500 tấn/ngày được TP Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư từ tháng 6/2020. Hiện, công ty CP Công nghệ xanh Seraphin đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công nhà máy trong quý IV/2021. |