Hiệu quả từ “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp
Theo LĐLĐ TP Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP đã có 4.337 doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, với 11.504 tổ và 50.615 người tham gia.
Các công đoàn trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”; phối hợp chính quyền đồng cấp, lãnh đạo doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình“Vùng xanh doanh nghiệp” để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép: “vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn”.
Người lao động thực hiện nghiêm nguyên tắc ''5 K'' trước, trong và sau khi làm việc đảm bảo vùng sản xuất an toàn. |
Đặc biệt, đến nay đã có 615 điểm “Vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động; điển hình là LĐLĐ quận/huyện: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình; huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh…
Theo lãnh đạo LĐLD TP, sự tham gia của tổ chức Công đoàn với mô hình hoạt động của các “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động; từ đó góp phần ổn định tình hình QHLĐ và phát triển sản xuất kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp.
Hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động gặp khó khăn do dịch
Theo LĐLĐ TP, các cấp Công đoàn đã tích cực chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ “Quỹ vaccine” và “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” của TP... với tổng số tiền là 58 tỷ 536,183 triệu đồng, cho 89.086 đoàn viên, người lao động và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19”.
Trong đó, LĐLĐ TP đã chi 26 tỷ 948,183 triệu đồng để hỗ trợ cho 35.837 người lao động và 1.936 đơn vị thành lập “Tổ An toàn Covid-19”.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đã chi 13 tỷ 783 triệu đồng để hỗ trợ 37.727 người lao động và hỗ trợ 2.098 doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Ngoài ra, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hỗ trợ đoàn viên, người lao bằng nhiều hình thức khác, như: 392.234 khẩu trang y tế và khẩu trang N95; 372 thiết bị đo thân nhiệt; 40.385 chai nước rửa tay sát khuẩn, 2.507 chai nước súc miệng; 5.050 tấm chắn giọt bắn; 200 bộ quần áo bảo hộ và các nhu yếu phẩm khác... Riêng công đoàn cơ sở hỗ trợ 15.522 người, với số tiền 17 tỷ 805 triệu đồng.
Từ ngày 27/4/2021 đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu và hỗ trợ người trong các khu cách ly tập trung, ủng hộ “Quỹ vaccine” và “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” của TP… với tổng số tiền là 102 tỷ 778,422 triệu đồng.
Hiện nay, LĐLĐ TP đang tiếp tục triển khai, tổ chức mô hình các chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong bối cảnh giãn cách và dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.
Từ ngày 26/7 đến nay, đã có 36.500 “Túi An sinh Công đoàn” được trao cho các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ngày 8/9/2021, đơn vị đã tổ chức 4 chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” trao 1.500 “Túi An sinh Công đoàn” (mỗi túi trị giá 200 nghìn đồng, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, muối, lạc...)
Tính đến hết ngày 02/9/2021, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đã có 33 đơn vị tổ chức các “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng”, 09 đơn vị đã triển khai mô hình “Siêu thị 0 đồng” và 21 đơn vị triển khai các hình thức hỗ trợ khác để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp “Túi An sinh Công đoàn”, với giá trị 200.000 đồng/suất cho 32.728 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền 6 tỷ 287,112 triệu đồng.
Đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn
Cũng theo LĐLĐ TP, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và qúa trình thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất-kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch theo quy định “3 tại chỗ”,“một cung đường, hai điểm đến”.
Qua thống kê, hiện có 881 doanh nghiệp với 65.396 công nhân, lao động thực hiện “3 tại chỗ”; 431 doanh nghiệp với 36.474 công nhân, lao động thực hiện “Một cung đường, hai điểm đến”.
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. |
Từ ngày 06/9, TP thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để phòng, chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; các cấp Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chủ sử dụng lao động tiếp tục vận động đoàn viên, công nhân, lao động đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong Vùng 2 cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.
Công đoàn cơ sở vận động đoàn viên, công nhân, lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn “vùng xanh”, việc điều chỉnh hoạt động trở lại theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất kinh doanh áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng Phân khu bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương, đảm bảo tốt việc vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.