Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Chia sẻ Zalo

Bằng nỗ lực cải cách thủ thục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Hà Nội đã vươn lên vị trí số 1 trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sau nhiều nỗ lực, trong 2 tháng đầu năm 2016, Hà Nội đã vươn lên vị trí số 1 trong thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký trên 250 triệu USD (chiếm khoảng 13%) tổng số vốn đăng ký cấp mới của cả nước.

Vì sao Hà Nội lại có bước “bứt phá” này và đâu là những lĩnh vực được xem là lợi thế, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

PV: Thưa ông, nhìn lại những tháng đầu năm nay, đâu là cơ sở giúp Hà Nội đứng đầu danh sách về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Việc Hà Nội vươn lên vị trí số một trong thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thể hiện rõ nỗ lực cải cách thủ thục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của lãnh đạo TP Hà Nội, các cấp các ngành trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nói về chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nói về chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.
Thành công này ngoài việc xuất phát từ những cải cách liên quan đến thủ tục hành chính trong đầu tư, cũng còn phải nói đến quá trình chuẩn bị các nguồn lực từ giai đoạn trước đây của Hà Nội. Nói một cách khác, thành tích thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2016 là kết quả từ việc chuyển tiếp những thành công trước đó của Hà Nội.

PV: Những lĩnh vực, ngành nghề mà các nhà đầu tư lựa chọn tại Hà Nội là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Trong cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn vẫn là các dự án kinh doanh bất động sản (theo thống kê chiếm khoảng 46%). Lĩnh vực chiếm tỷ trọng tiếp theo là lĩnh vực chế biến chế tạo từ các dự án sản xuất trong các khu công nghiệp tập trung, còn lại là các dự án thương mại dịch vụ khác.

Lợi thế của Hà Nội là vị trí cũng như các điều kiện thuận lợi của Thủ đô trong thu hút đầu tư, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thành phố cũng có lợi thế để thu hút một số lĩnh vực khác trong phát triển thương mại dịch vụ. Theo thống kê, các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại dịch vụ đang gia tăng, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.

PV: Kết quả đó thực sự là lợi thế, nhưng cũng là áp lực. Hà Nội sẽ làm gì để có thể giữ vị trí quán quân trong thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Ngay trong những tháng đầu năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các sở ngành liên quan, trong đó có Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung mạnh mẽ việc rà soát, điều chỉnh các thủ tục hành chính, đặc biệt là liên quan đến cải cách, cắt giảm thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã rà soát, tham mưu cho UBND thành phố trong thực hiện thủ tục liên quan đến cấp, đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài; tham mưu thành phố cắt giảm từ 10 đến 30% thời gian làm thủ tục hành chính, cùng với đó là rà soát mặt bằng, quỹ đất để lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư.

Trên cơ sở Luật đầu tư, Nghị định 118 của Chính phủ đã ban hành, Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đang rà soát các lĩnh vực đầu tư đã được các Bộ, ngành hướng dẫn và cấp đầu tư trước đây, từ đó báo cáo Bộ và thành phố để thực hiện việc cấp luôn đăng ký đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông./.