Hà Nội: đang chơi pickleball, người đàn ông bất ngờ đổ gục xuống sân
Theo đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, xe cấp cứu của đơn vị đã tiếp cận hiện trường.
Khoảng 18 giờ 10, nạn nhân tham gia chơi pickleball được 15-20 phút thì bất ngờ ngã quỵ, bất tỉnh. Khi đội cấp cứu đến, nạn nhân đã ngừng tuần hoàn. Các nhân viên y tế phải hồi sức cấp cứu tại chỗ trong 15-20 phút để tái lập mạch cho bệnh nhân trước khi chuyển vào Bệnh viện E.
Theo PGS.TS Võ Tường Kha, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, đột quỵ trong chơi thể thao không hiếm gặp, biến cố này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Tập luyện là hoạt động tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa thừa cân, béo phì, các bệnh tim mạch, chuyển hóa và ung thư. Trung bình, một người nên vận động từ 3-5 buổi/tuần, mỗi lần tập kéo dài 30-60 phút.
Theo lượng vận động (cường độ, tần suất, thời lượng, tính chất bài) có các nhóm môn tập khác nhau. Tập sức mạnh gồm các môn cử tạ, các bài ném. Môn tốc độ (sức nhanh) như chạy, bơi hay đạp xe ở cự ly ngắn. Môn sức bền như chạy cự ly từ 3km, marathon, bán marathon, đi bộ thể thao, đạp xe đường dài.
Khi tập thể dục hoặc chơi thể thao, người tập nên chọn môn phù hợp với tình trạng sức khỏe. Pickleball giống tennis, bóng bàn, cầu lông, là bài tập vận động hỗn hợp sức mạnh, tốc độ, sức bền, đang được nhiều người yêu thích.
Với một số cá nhân đặc biệt, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao trong đó có pickleball có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử. Nguy cơ này hay xảy ra ở người trước giờ ít vận động hoặc có bệnh tim mạch nhưng không được phát hiện.
5 nguy cơ dẫn đến đột quỵ khi chơi thể thao
1. Những người chưa, ít tập thể thao hoặc có sẵn bệnh lý tim mạch nhưng không biết. Những trường hợp này khi có lượng vận động lớn, dẫn tới hưng phấn tối đa gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, thể gây rung nhĩ/thất, gây nhồi máu cơ tim, gây vỡ mạch máu não (đột quỵ).
Ngay cả với những người từng tập luyện lâu dài, cơ thể đã thích nghi nhưng lượng vận động vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể có thể dẫn tới tế bào, tổ chức thiếu máu, thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng. Tim và não là tổ chức bị thiếu hụt và thiệt hại sớm nhất, không bù kịp, nguy cơ gây ra đột quỵ.
2. Suy kiệt năng lượng cấp tính. Hoạt động thể lực kéo dài trong một buổi tập, làm tiêu hao năng lượng, trước hết là sụt giảm đường huyết dẫn đến hôn mê, không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
3. Rối loạn nước và điện giải. Lượng vận động lớn, kéo dài, gây tăng sinh nhiệt, thải nhiệt bằng việc tăng cường bài tiết mồ hôi, hậu quả là mất cân bằng nước, điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, có thể gây hôn mê, đột quỵ .
4. Sốc nhiệt. Lượng vận động lớn, kéo dài gây sinh nhiệt, cơ thể thải nhiệt không kịp, tích lũy nhiệt gây sốc nhiệt. Nếu tập trong môi trường nắng, nóng, cơ thể bị bức xạ nhiệt dẫn tới gia tăng nhiệt độ cơ thể, sốc nhiệt, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nhịp tim, nhịp thở, hôn mê, co giật, ngừng tuần hoàn, ngừng thở.
5. Tập thể thao cường độ lớn, kéo dài có thể gây tiêu cơ vân, rối loạn chuyển hóa điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn đông máu, tăng kali máu, suy thận, suy tim cấp, gây ngừng thở, ngừng tuần hoàn.
Lưu ý khi tập luyện
Người tập phải đánh giá tình trạng sức khỏe của mình đủ điều kiện tham gia tập luyện hay không. Bên cạnh đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thể thao, tim mạch để đánh giá khả năng chịu đựng của cơ thể, ngưỡng thể lực.
Người tập cần nắm rõ nguyên tắc như tập đúng kỹ thuật, nâng dần thời gian để cơ thể thích nghi, mỗi ngày tăng dần, không đột ngột tăng thời gian quá ngưỡng cơ thể.
Trước hoạt động thể dục thể thao cần dành thời gian khởi động làm nóng giúp cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động cường độ cao. Khi đang gắng sức, bạn cần tránh việc dừng lại đột ngột vì thời điểm này cũng có thể xuất hiện nhiều rối loạn nhịp đe dọa tính mạng.

Quận Long Biên: Chú trọng công tác an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Kinhtedothi - Đoàn phúc tra số 1 của TP Hà Nội đã phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 của quận Long Biên.

Hướng tới khung pháp lý toàn diện và hiệu quả hơn
Kinhtedothi - Sau hơn một thập kỷ thực thi, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được sửa đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ghi nhận trường hợp tử vong thứ 4 do bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh
Kinhtedothi - Ngày 3/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình bệnh sởi trên địa bàn TP tiếp tục tăng. Trong đó, ghi nhận thêm 1 trường hợp trẻ 12 tháng tuổi tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 4 bệnh nhân trong năm nay.