Hà Nội đang tập trung giải quyết yếu kém trong PCCC của 79 điểm nhà cao tầng

Hà Bình - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết, qua quá trình kiểm tra, giải quyết, đến nay 48/79 công trình tồn tại trước đây đã khắc phục xong và được tổ chức nghiệm thu về PCCC. 31 công trình còn tồn tại vi phạm, quy định.

Sáng 3/4, tại hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 3 tháng đầu năm 2018 của Thành ủy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết: Trong quý 1/2018, Hà Nội có hơn 200 vụ cháy làm 2 người chết, bị thương 18 người, thiệt hại tài sản 31 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 83 vụ cháy. Về địa bàn, tỷ lệ cháy xảy ra ở nội thành chiếm khoảng 60%. Đặc biệt, đã hướng dẫn, tổ chức thoát nạn cho hàng trăm người trong vụ cháy ở tòa nhà Golden 151 Thụy Khuê.
Phó Giám đốc Sở PCCC Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Theo nhận định của Cảnh sát PCCC Hà Nội, tình hình cháy trên địa bàn Hà Nội 3 tháng đầu năm nay 2018 được kiềm chế, diễn biến ít phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình cháy tại các cơ sở trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của Sở PCCC như kho xưởng, chung cư, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị có giảm, song cháy ở các khu dân cư, nhất là các hộ dân kết hợp ở và kinh doanh thì có phức tạp hơn. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Cảnh sát PCCC tiếp tục tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế của công tác PCCC những năm trước. Tập trung tuyên truyền, khuyến cáo cho các cơ quan tổ chức, người dân trên địa bàn về các biện pháp, giải pháp PCCC. Đặc biệt là tuyên truyền đến tận các tổ dân phố, người dân về giải pháp phòng ngừa, cách thoát nạn, xử lý khi có cháy xảy ra.

Sở Cảnh sát PCCC cũng tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố thực hiện các văn bản chỉ đạo về PCCC, trong đó có văn bản thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TP về tiếp tục hướng dẫn, xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC được xây dựng trước khi có Luật PCCC năm 2011. Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, hiện Sở đang tập trung vào tổ chức kiểm tra, giải quyết những tồn đọng, yếu kém của 79 điểm nhà cao tầng đã được công khai trước cơ quan báo chí. Qua quá trình kiểm tra, giải quyết 79 điểm nhà cao tầng này, đến nay, tình hình có những biến động. Cụ thể, có 48/79 công trình tồn tại trước đây đã khắc phục xong và được tổ chức nghiệm thu về PCCC. 31 công trình còn tồn tại vi phạm, quy định.

Trong số 31 công trình này, có 16 công trình có khả năng khắc phục sai phạm. Hiện Cảnh sát PCCC thành phố đã hướng dẫn các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, 13/16 công trình đã khắc phục được khoảng 60% sai phạm. Tuy nhiên 3/16 công trình còn lại đang chây ì, không thực hiện khắc phục, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra CATP Hà Nội thụ lý.

15/31 công trình còn lại khó có khả năng khắc phục vì các công trình này là những công trình đã xây dựng giai đoạn trước năm 2001 (trước khi có Luật PCCC). Sự phối hợp giữa cơ quan quy hoạch, cấp phép xây dựng và PCCC chưa được chặt chẽ, nhiều công trình tổ chức xây dựng trước sau đó mới xin cấp phép PCCC nên có một số bộ phận yêu cầu về PCCC không đáp ứng. Với các công trình này, Sở Cảnh sát PCCC thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.

Về tình hình cháy nổ tại các công trình nhà cao tầng, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 30 sự cố cháy nổ xảy ra. Có những vụ cháy tuy không gây ra hậu quả về người nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. Đặc biệt sau khi xảy ra vụ cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh, tâm lý của người dân sống ở các nhà chung cư cũng có những bất an.

Trước thực trạng đó, ngoài việc tiếp tục đôn đốc thực hiện khắc phục sai phạm tại các công trình nói trên, trong đợt này, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ rà soát kiểm tra 100% công trình nhà cao tầng. Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình tòa nhà nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư. Qua kiểm tra, đối với các công trình mới, đang thi công hiện nay thì kiên quyết kiểm tra, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ đề xuất, không đảm bảo các quy định về an toàn PCCC thì Sở sẽ phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công.

Với các công trình có vi phạm nhưng đã có người ở thì một mặt xử lý kiên quyết, mặt khác yêu cầu nhà đầu tư phải tăng cường hơn nhân lực trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về PCCC theo quy định. Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhận định, thời gian tới, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn. Lý do bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 thì hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định. “Tòa nhà tồn tại khoảng 50 năm, nếu hệ thống PCCC được kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì theo đúng quy định thì tốt nhưng chỉ cần một ngày có sự cố, mà đúng thời điểm đó lại xảy ra cháy thì chúng ta không thể lường trước được hậu quả. Cho nên, chúng tôi vẫn đánh giá đối với nhà chung cư và công trình cao tầng thì đây là đối tượng nguy cơ lớn đối với thành phố trong công tác đảm bảo PCCC” - Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhận định.

Lãnh đạo các quận, huyện cũng khẳng định sự vào cuộc quyết liệt trong phong cháy chữa cháy tại các địa phương như tập huấn, kiểm tra các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao… Bí thư quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết: Quận đã phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô tập huấn cho toàn bộ nhà chung cư trên địa bàn theo hướng hiệu quả và phù hợp thực tế. Đề nghị TP cần phân loai các loại hình nhà chung cư và tập huấn cho người dân, ban quản trị… Tuy nhiên, do thực tế việc tập huấn ban ngày chỉ có những người lớn tuổi tham gia, khó tiếp cận đến các đối tượng trẻ, nên cần đa dạng hóa hình thức tập huấn. Sau khi tập huấn, có thể lấy chính đội ngũ ban quản lý nhà chung cư để phòng cháy tại chỗ.